Vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Chiều 21/02, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hồ Chí Minh tổ chức họp mặt đồng bào tiêu biểu các dân tộc thiểu số nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, nhằm trân trọng những đóng góp hết sức quý báu của đồng bào các dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực; đồng thời lắng nghe, ghi nhận những tâm tư tình cảm của đồng bào; qua đó tiếp tục quan tâm đề xuất các ngành, các cấp thực hiện tốt hơn nữa chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, phát huy những thành quả đạt được trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

 

Lãnh đạo Thành phố chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dân tộc Hoa.

Tham dự buổi họp mặt, có bà Bùi Thị Kim Định, Phó Vụ trưởng Cơ quan thường trực Ban Dân vận Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh; bà Phạm Thanh Tuyền, Phó Trưởng Ban công tác phía Nam Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các tổ chức thành viên; các ban, ngành, cơ quan chức năng Thành phố…

Buổi họp mặt có sự tham dự của khoảng 200 đại biểu là đồng bào tiêu biểu trên các lĩnh vực, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số, gồm: Hoa, Chăm, Khmer, Tày, Nùng, Mường, Thái, Cơ Ho, Sán Chí, Sán Dìu, Ê đê, H’Mông... trên địa bàn thành phố.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Trung thông tin tình hình phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tại Thành phố.

Tại buổi họp mặt, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Trung cho biết, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, năm 2023, thành phố tiếp tục quan tâm, làm tốt chính sách dân tộc như: Thực hiện thường xuyên các chính sách giải quyết việc làm, chính sách dạy nghề, trợ vốn, chính sách giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Kết quả, đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 10.840 trường hợp; hỗ trợ 72 căn nhà ở; dạy nghề miễn phí và hỗ trợ việc làm cho hàng trăm trường hợp. Đồng thời, hỗ trợ vay vốn cho 615 trường hợp với số tiền gần 28,4 tỷ đồng; miễn học phí đối với học sinh dân tộc Chăm và Khmer, với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng; hỗ trợ 50 giáo viên người dân tộc thiểu số dạy tiếng dân tộc với tổng số tiền gần 500 triệu đồng...

Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP.Hồ Chí Minh biểu dương 200 đại diện tiêu biểu, những người là cầu nối mật thiết để lan toả chủ trương, chính sách của Thành phố trong cộng đồng các dân tộc: “Lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh luôn trân trọng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những đóng góp quý báu của đồng bào dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực trong thời gian qua. Lãnh đạo Thành phố xin biểu dương 200 đại biểu. Đây là những đại diện tiêu biểu cho niềm tin, mối quan hệ mật thiết, hiệu quả giữa cấp ủy, chính quyền với đồng bào, khẳng định được kết quả tuyên truyền, vận động bà con đồng bào chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động cho chính quyền và các đoàn thể, địa phương phát động, qua đó tiếp tục củng cố, phát huy ngày càng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn Thành phố”.

Lãnh đạo Thành phố chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu.

Ông Nguyễn Phước Lộc nhấn mạnh, cần quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật Nhà nước về công tác dân tộc, phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Trọng tâm là triển khai chính sách miễn học phí đối với học sinh dân tộc Chăm và Khmer - hai cộng đồng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn - trên địa bàn thành phố; hỗ trợ chi phí học tập cho học viên cao học, nghiên cứu sinh là người dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ giáo viên người dân tộc thiểu số dạy tiếng dân tộc…

TP.Hồ Chí Minh hiện có đầy đủ 54 dân tộc, mỗi đồng bào dân tộc luôn giữ gìn và phát huy tốt bản sắc văn hóa của dân tộc mình, chính việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa mỗi dân tộc là yếu tố quan trọng để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ngoài ra tạo nên sự đa dạng văn hóa đóng góp xây dựng nét đặc trưng văn hóa của TP.Hồ Chí Minh tạo nên tên gọi thành phố văn minh - hiện đại - nghĩa tình.

Chia sẻ bên lề buổi họp mặt, Bác sĩ H’Nie, người dân tộc Ê đê, hiện công tác tại Trung tâm Y tế TP.Thủ Đức cho biết: trong thời gian qua nhờ sự chỉ đạo, lãnh đạo, quan tâm của Đảng, của Thành phố mà các đồng bào dân tộc của mình được ưu ái, được quan tâm, được nâng đỡ rất nhiều. Do đó, cũng mong Thành phố vẫn tiếp tục quan tâm, chăm lo đến với các anh em đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là thế hệ tương lai của những bà mẹ, ông bố và đã từng hy sinh cống hiến cho TP.Hồ Chí Minh, tạo điều kiện thuận lợi cho các em học tập để cống hiến, xây dựng cho Thành phố, cho quê hương…

Bà Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố thăm hỏi, tặng quà các đại biểu.

 “Cũng mong Ban lãnh đạo của thành phố mình tạo mọi điều kiện thuận lợi để các anh em đồng bào dân tộc trên các tỉnh cao nguyên xuống Thành phố được học hỏi, được làm việc được cống hiến chứ để anh em mình ở trên đó lập gia đình sớm quá, đôi khi còn mù chữ nữa. Đó là cũng những cái đội ngũ mà chúng ta cần quan tâm để mở ra một cánh cửa đón chào các anh em dân tộc thiểu số từ các tỉnh Tây Nguyên cũng giống như từ miền Bắc, giống như miền Nam để về hội tụ nơi gọi là văn hóa, công nghệ kỹ thuật cao nhất của Thành phố để được tiếp thu, để được học hỏi, để đem về lại buôn làng, núi rừng, để mà phục vụ và cống hiến” - Bác sĩ H’Nie bày tỏ…

Ông Lương Hùng Đức - dân tộc Hoa, hiện là Bí thư Chi bộ Khu phố 6, phường 12, Quận 5 cho biết, những năm qua Thành phố đã quan tâm, chăm lo đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các lễ hội được duy trì, các hoạt động văn hóa và các di tích văn hóa, lịch sử được bảo tồn, giáo dục thì có chính sách miễn học phí, ông Lương Hùng Đức bày tỏ mong muốn:  “Đồng bào người Hoa hiện nay cũng rất là mong muốn có cái chương trình tăng cường tiếng Hoa ở trường phổ thông, đối với những cái khu vực mà có đông người Hoa với cái mục tiêu là học giỏi tiếng Việt và học tốt tiếng Hoa. Cái thứ hai, về lĩnh vực văn hóa thì hiện nay là có cái Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số. Đồng bào các dân tộc muốn có một cái sân khấu riêng để tập luyện, rồi biểu diễn rồi triển khai các cái hoạt động của văn hóa nghệ thuật. Còn xã hội thì tạo việc làm, làm sao để cho con em người Hoa đào tạo một cái thế hệ có trình độ, có năng lực. Ngoài ra, là làm sao để cho có một cái đội ngũ cán bộ là người dân tộc ở trong bộ máy chính quyền, các cái cơ quan nhà nước để phục vụ một bộ phận công tác dân tộc, trong đó có công tác người Hoa”.