Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 2013

Ngày 21/5, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch và ông Lê Nguyễn Hồng Quang, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM chủ trì hội nghị.

Phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM Phạm Minh Tuấn cho biết sau hơn 10 năm thi hành, Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện vai trò to lớn trong xây dựng và phát triển đất nước. Đến nay, Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và định hướng phát triển lâu dài. Trong đó, việc sửa đổi các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, thành và cấp xã. là một nội dung trọng tâm.

Ông Phạm Minh Tuấn mong muốn được lắng nghe những ý kiến đóng góp sâu sắc, trách nhiệm, khách quan của đại biểu, chuyên gia. Qua đó, cùng hoàn thiện nội dung sửa đổi Hiến pháp một cách toàn diện, bảo đảm tính ổn định, tính kế thừa, thể hiện được sự đổi mới, sáng tạo và khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Góp ý tại hội nghị, bà Võ Thị Dung, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, đề xuất các tổ chức chính trị - xã hội nên là "tổ chức thành viên nòng cốt của MTTQ Việt Nam" thay vì "trực thuộc MTTQ Việt Nam" như dự thảo nêu. Bà Võ Thị Dung phân tích chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức chính trị - xã hội không thay đổi.

Bà Võ Thị Dung, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM phát biểu tại hội nghị.

Cũng theo bà Võ Thị Dung, phương thức hoạt động của các tổ chức - chính trị xã hội cũng không thay đổi khi "phối hợp và thống nhất hành động", chỉ nhấn mạnh thêm yếu tố "dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam". Với nội dung này, bà Dung đề nghị Hiến pháp cần sửa đổi thành "do sự chủ trì của MTTQ Việt Nam".

Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề xuất diễn đạt khoản 1 Điều 110 theo hướng xác định rõ chỉ còn 2 cấp hành chính là cấp tỉnh và cấp cơ sở. Việc xác định tên gọi cụ thể của cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn, đặc khu...) sẽ do Luật Tổ chức Chính quyền địa phương quy định.

Bên cạnh đó, luật sư đề nghị cần làm rõ và thống nhất việc sử dụng thuật ngữ "Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt" và "đặc khu" trong hệ thống pháp luật. Quan trọng là Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi) sắp tới cần có các tiêu chí phân loại, thành lập, sáp nhập ĐVHC rõ ràng, khoa học, có tính đến yếu tố đặc thù, tránh chủ quan.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu phát biểu ý kiến.

Tham gia ý kiến tại hội nghị, bà Ung Thị Xuân Hương, Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM nhất trí với quy định "Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam". Theo bà Hương, quy định này phù hợp với Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Tuy nhiên, bà Ung Thị Xuân Hương lại cho rằng, nên cân nhắc từ "trực thuộc" và đề nghị thay bằng cụm từ "là tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam" cho phù hợp quy định. Hơn nữa, 5 tổ chức chính trị - xã hội này có vị trí độc lập, hoạt động theo Điều lệ của từng tổ chức, khác với các phòng ban chuyên môn trực thuộc Mặt trận.

Bà Ung Thị Xuân Hương, Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM phát biểu ý kiến

Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cũng đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khi thực hiện sắp xếp các tổ chức này trực thuộc MTTQ Việt Nam để thống nhất cách gọi.

Về việc không quy định cụ thể đơn vị hành chính (ĐVHC) dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để bảo đảm linh hoạt khi có thay đổi, điều chỉnh ĐVHC thì không phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, bà Ung Thị Xuân Hương đề nghị, làm rõ mô hình tổ chức chính quyền địa phương gồm 2 cấp là cấp tỉnh và cấp cơ sở, bảo đảm rõ ràng, minh bạch. Trên cơ sở tính chất đặc thù của mỗi địa phương mà có thể tổ chức hoặc không tổ chức HĐND - UBND hay UBND.

Theo luật sư Trương Thị Hòa, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại TP.HCM, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, hiện nay, ĐVHC ở nước ta đã và đang vận hành theo mô hình ba cấp: Cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, trong đó cấp huyện chỉ còn giữ vai trò trung gian, không còn phù hợp với yêu cầu quản trị hiện đại và xu hướng chuyển đổi số quốc gia. Vì vậy, việc tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là phù hợp, giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và sát với cơ sở.

TS Lương Bạch Vân cho rằng trong thời gian qua, giữa MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã có sự phối hợp trong hoạt động. Tuy nhiên, trong chừng mực nào đó thì sự phối hợp hoạt động này chưa đồng đều. Do đó, hơn lúc nào hết cần có sự phối hợp mang tính toàn diện, đồng đều, hiệu quả giữa MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.

"Điều quan trọng là giữa MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần có sự phối hợp, điều phối tốt hơn. Qua đó, hoạt động hiệu quả, tích cực hơn, đưa ra chương trình thống nhất, toàn diện, đồng bộ; để tạo ra kết quả tốt để dân thấy, dân nghe, dân đồng tình" - TS Lương Bạch Vân nêu ý kiến.