Chiều 19/10, Đoàn Mặt trận TP.HCM do ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố làm trưởng đoàn đã đến tỉnh Điện Biên sau khi tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam khóa X. Đoàn tới thăm Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, nơi lưu giữ vẹn nguyên nhiều dấu ấn quan trọng về trận chiến oanh liệt, lừng danh khắp năm châu của nước Việt Nam.
Đoàn nghe thuyết minh tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nằm trên trục đường Võ Nguyên Giáp, thuộc tổ dân phố 1, phường Mường Thanh, Thành phố Điện Biên Phủ, đối diện với Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1 và gần với các điểm di tích tiêu biểu như: Đền thờ các liệt sĩ trên đồi F; Đồi A1; Hầm chỉ huy của tướng De Castries, Tượng đài chiến thắng...
Công trình Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ được xây dựng năm 2012 và khánh thành vào năm 2014 nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là công trình có kiến trúc hiện đại; hình dáng bên ngoài được thiết kế là hình chiếc mũ nan phủ lưới ngụy trang cùng với hệ thống nan bê tông, cốt thép tạo hình quả trám tượng trưng cho chiếc áo trấn thủ của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa.
Phía bên trong là hệ thống trưng bày thường xuyên với diện tích hơn 1.200m2, được thiết kế ấn tượng độc đáo với những cảnh quan, cảnh tượng lịch sử cùng gần 1.000 hiện vật gốc nhằm tái hiện sinh động 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt” của những chiến sĩ "gan không núng, chí không mòn" làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Đoàn đại biểu chụp hình lưu niệm tại bức tranh panorama tái hiện lại chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Điểm nhấn đặc biệt của Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ là toàn bộ không gian nằm giữa trung tâm của ngôi nhà Bảo tàng, với diện tích 4.500m2 được dành riêng để thực hiện Bức tranh Panorama đồng hiện những khoảnh khắc điển hình của chiến dịch Điện Biên Phủ. Bức tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên nền vải toan có chiều cao 20,5m, chiều dài 132m, đường kính 42m. Trên tranh có 4.500 nhân vật cùng phong cảnh núi rừng; tất cả đã tái hiện một cách trọn vẹn, liền mạch các trận đánh tiêu biểu theo diễn biến của trận đánh trong chiến dịch Điện Biên, tạo cho người xem một góc nhìn đầy đủ, trực quan và sinh động, bố cục theo 4 trường đoạn: “Toàn dân ra trận”; “Khúc dạo đầu hùng tráng”; “Cuộc đối đầu lịch sử” và “ Khúc khải hoàn mừng chiến thắng”.

Mục sư Nguyễn Thông rất xúc động khi được lên Điện Biên, nơi vùng đất năm xưa đã đã có biết bao người ngã xuống cho độc lập hòa bình hôm nay
Được nhìn tận mắt những hiện vật lịch sử; nghe tận tai những câu chuyện trong trận chiến năm xưa, mục sư Nguyễn Thông, nguyên Hội trưởng Giáo hội Báp tít Việt Nam xúc động nhớ về những bài hát hào hùng mà mình đã thuộc khi còn là thanh niên “Qua miền Tây Bắc” và bây giờ mới được lên Điện Biên thấy được sự chiến đấu, hi sinh của toàn quân, toàn dân; dưới sự dẫn dắt của Bác Hồ, Đảng cộng sản Việt Nam đã mang lại độc lập tự do cho dân tộc. “Bây giờ chúng ta rất là sung sướng, phải nhớ có được ngày hôm nay là nhờ những người đã nằm xuống. Ngày xưa hàng hàng lớp trẻ lên đường nhờ có sự ủng hộ của quần chúng, vì vậy phải làm sao phục hồi lại tinh thần đó bằng cách những người hôm nay phải nhớ, hiểu biết về lịch sử” – Mục sư Nguyễn Thông chia sẻ.
Ngày mai, Đoàn Mặt trận TP.Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục có những hoạt động về an sinh xã hội để chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Điện Biên.
QH-TD