Biểu dương 20 đại diện tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc Thành phố

Chiều 2.10, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP.HCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024 – 2029 đã biểu dương 20 nhân vật đại diện cho các tấm gương chung sức vì Thành phố Hồ Chí Minh trong tinh thần Đại đoàn kết toàn dân tộc Thành phố, đồng thời sự xuất hiện các tấm gương này cũng là thông điệp truyền cảm động lực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố phát động, kêu gọi sự dấn thân, phấn đấu, đóng góp, cống hiến của các tầng lớp Nhân dân, hòa chung vào tinh thần và khối đại đoàn kết toàn dân tộc Thành phố; cùng thi đua yêu nước chào mừng thành công Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 12, hướng tới chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 10; thiết thực kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Lãnh đạo Trung ương, Thành phố trao tặng hoa chúc mừng, động viên, ghi nhận đóng góp của các đại diện các tầng lớp Nhân dân Thành phố

(1) Mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông đại diện cho 5.481 Mẹ Việt Nam anh hùng tại Thành phố Hồ Chí Minh và đại diện cho 69 mẹ hiện đang còn sống. Bản thân mẹ Kiều Thị Nông, có mẹ ruột của mẹ là cụ bà Lê Thị Tý, mẹ chồng của mẹ là cụ bà Nguyễn Thị Ớt đều là Mẹ Việt Nam anh hùng.

(2) Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó đội trưởng Đội công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an Thành phố Hồ Chí Minh, người chiến sĩ trực tiếp tham gia đoàn công tác cứu nạn cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023 và nhiều lần không ngại hy sinh, lập nhiều chiến công, tham gia chữa cháy và cứu nạn trên địa bàn Thành phố.

Trung tá Nguyễn Chí Thành đại diện cho thế hệ trẻ được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tiếp nối truyền thống cách mạng kiên cường yêu nước.

(3) Nhà sử học Nguyễn Đình Tư, năm nay đã 104 tuổi, có nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử và địa chí. Ông dành hơn 20 năm để nghiên công trình lịch sử “Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử”; ông là người đầu tiên đề xuất đặt tên đường Trường Sa, Hoàng Sa tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông đại diện cho người tuổi cao, giá trị sống càng cao.

(4) Thiếu tá Trần Văn Đông, Chính trị viên Khung dự trữ, Tiểu đoàn DKI, Vùng 2 Hải quân: Là công dân của Thành phố Hồ Chí Minh đang trực tiếp công tác tại Nhà giàn DK1; là chiến sĩ đạt nhiều giải thưởng cao quý của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Hôm nay cũng đã về tham dự Đại hội. Thiếu tá Trần Văn Đông đại diện cho phong trào và thế trận quốc phòng toàn dân, đại diện cho các thế hệ thanh niên khi Tổ quốc cần, tuổi trẻ sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc.

(5) Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố; Nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ. Người có nhiều đóng góp trong lĩnh vực y khoa, hoạt động xã hội; vừa được nhận Giải thưởng được mệnh danh là “Giải Nobel Châu Á”, Giải thưởng Ramon Magsaysay lần thứ 66, năm 2024, giải thưởng vì cống hiến trong nghiên cứu về tác động của chất độc da cam/dioxin lên sức khỏe sinh sản và những nỗ lực đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đại diện cho các thế hệ trí thức đóng góp xây dựng phát triển Thành phố.

(6)  Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115. Đại diện cho sáng kiến cấp cứu ngoại viện bằng xe hai bánh vào năm 2018. Bác sĩ Long cũng chính là người đã triển khai mô hình taxi cấp cứu chuyển bệnh trong đại dịch COVID-19. Bác sĩ Nguyễn Duy Long đại diện cho lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch.

(7) Nữ tu Trần Thị Lý, Trưởng phòng Chẩn trị y học cổ truyền từ thiện Hy Vọng. Mỗi tuần (trừ thứ Bảy, Chủ nhật), nữ tu Trần Thị Lý và các nữ tu Cộng Đoàn Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đón tiếp, khám chữa bệnh cho 80 - 100 bệnh nhân bằng phương pháp châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu, sử dụng thuốc Nam dược được bào chế từ những loại cây trồng ngay tại đây. Cơ sở chữa bệnh của nữ tu đã trở thành địa chỉ của tình thương, lòng nhân ái và hy vọng của bệnh nhân nghèo. Nữ tu Trần Thị Lý đại diện cho tinh thần của người công giáo, sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào.

(8) Tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương, Trưởng bộ môn Y học tái tạo, Trưởng phòng thí nghiệm Sức khỏe não bộ, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Là một nhà khoa học trẻ, có nhiều công trình khoa học được công bố trên tạp chí quốc tế uy tín. Tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương đã nghiên cứu và triển khai Dự án Phần mềm phân tích hình ảnh MRI sọ não người bệnh và chẩn đoán bệnh Alzheimer chính xác, tự động. Tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương đại diện cho thế hệ trẻ đi đầu trong nghiên cứu khoa học, phục vụ cuộc sống.

(9) Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tá Đoàn Thị Ánh Tuyết. Tham gia hoạt động cách mạng từ khi 14 tuổi. Là đại diện cho thế hệ trẻ trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Là chiến sĩ nội thành ở Sài Gòn thời Mỹ Ngụy – Biệt động Sài Gòn lập nhiều chiến công. Được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đại diện cho lực lượng Cựu Chiến binh Thành phố, tiếp tục tham gia cống hiến cho sự phát triển của Thành phố.

(10) Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Trương Thái Sơn, xuất thân là công nhân lao động trực tiếp. Từ năm 2006 đến nay, ông đã có hơn 30 sáng kiến được công nhận và đưa vào áp dụng thực tiễn trong công tác, mang lại giá trị làm lợi cho ngành Điện lực Thành phố hàng tỷ đồng. Ông đại diện cho thế hệ công nhân giỏi nghề, kỹ thuật cao của Thành phố.

(11) Bà Lưu Kim Hoa, nguyên Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Thành phố Hồ Chí Minh; Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố. Là thương binh - cán bộ Hoa vận, gắn kết văn nghệ sĩ của các dân tộc, phát huy đoàn kết, đa dạng hóa các loại hình nghệ thuật của dân tộc Hoa, Chăm và Khơmer. Chặng đường hơn 50 năm của bà đã góp phần bảo tồn, xây dựng và phát huy văn hoá nghệ thuật truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số, đại diện cho khối cộng đồng dân tộc thiểu số của Thành phố.

(12) Tiến sĩ Lương Bạch Vân, nguyên chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố. Là người kết nối và hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài thông qua Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố. Bà đại diện cho cộng đồng Người Việt Nam ở nước ngoài yêu nước hướng về quê hương.

(13) Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Thành phố Hồ Chí Minh. Bà là người tiên phong làm nên sân khấu kịch theo phong cách Nam Bộ với những tác phẩm nghệ thuật lưu lại dấu ấn, là tấm gương cho các thế hệ nghệ sĩ trẻ kế thừa. Bà đã khởi xướng tổ chức chương trình “Nghệ sĩ tri âm”, chăm lo đời sống cho nghệ sĩ đồng nghiệp, công nhân sân khấu già yếu, có hoàn cảnh khó khăn, trao học bổng cho con em nghệ sĩ hiếu học. Bà đại diện cho văn nghệ sĩ luôn hướng về cộng đồng.

(14) Nghệ sĩ nhân dân Tạ Minh Tâm, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Nguyên Phó Giám đốc Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, người dành nhiều tâm huyết, nỗi trăn trở với mong muốn đưa dòng nhạc chính thống đến rộng rãi công chúng. Trong đợt dịch COVID-19, NSND Tạ Minh Tâm là một trong những nghệ sĩ tích cực tham gia các chương trình văn hóa nghệ thuật cổ vũ tuyến đầu chống dịch, truyền thêm năng lượng tinh thần tích cực cho người dân trong những ngày khó khăn ở các khu cách ly, bệnh viện điều trị.

(15) Ông Lê Trí Huệ ở Quận 12, đại diện cho những người dân tiêu biểu, tham gia hiến đất mở rộng đường nhiều năm liền của Thành phố với tổng giá trị quy đổi hơn 45 tỷ đồng. Ông đã hiến đất, dời hàng rào và các vật kiến trúc khác để thực hiện công trình mở rộng tuyến đường Thạnh Lộc 31 từ 2m ban đầu mở rộng thành 7m tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi. Đại diện cho tinh thần vì sự phát triển của cộng đồng, sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng vì lợi ích chung.

(16) Ông Phạm Thành Lộc, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Ủy viên Ban Chấp hành Hội nông dân Thành phố Hồ Chí Minh. Là nông dân có nhiều nghiên cứu các mô hình ứng dụng trong nông nghiệp. Ông từng nghiên cứu thành công mô hình khí canh trụ đứng Ero-farm, giúp người dân có thể tự trồng rau sạch tại nhà. Trong giai đoạn phòng chống dịch đã nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm từ nông sản, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Ông được vinh danh 2 lần giải thưởng “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2020 và 2024. Ông đại diện cho nông dân đặc trưng của đô thị phát triển, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

(17) Nhà báo Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc quản lý điều hành Công ty TNHH Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh. Là người góp phần xúc tiến thành lập đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, tạo ra một không gian văn hóa đọc, nhân văn tại Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu. Ông đại diện cho việc  người dân tham gia xã hội hóa nguồn lực xã hội, chăm lo cho sự nghiệp phát triển văn hóa của Thành phố.

(18) Thượng tọa Thích Thanh Phong; Phó Trưởng Ban Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố, Trưởng Ban Từ thiện Xã hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố; Trụ trì Chùa Vĩnh Nghiêm, là người có sáng kiến vận động xây dựng nhiều trường học, nhiều nhà tình thương trong hơn 20 năm và tổ chức bếp ăn cung cấp cho các bệnh viện dã chiến, khu cách ly trong dịch COVID-19.  Đại diện cho truyền thống “hộ quốc an dân” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

(19) Huấn luyện viên Đoàn Thị Kim Chi, Câu lạc Bóng đá nữ TP.HCM, là vận động viên tiêu biểu của Thành phố, “vua danh hiệu” của bóng đá nữ, 4 lần vô địch SEAGAMES, 13 lần vô địch quốc gia. Bà là đại diện cho thể thao thành tích cao của Thành phố.

(20) Ông Nguyễn Tuấn Khởi, người sáng lập Chiến dịch Hành trình Đỏ để vận động hiến máu tình nguyện toàn quốc; hình thành Ngân hàng thực phẩm Food Bank chia sẻ thực phẩm đến những người có hoàn cảnh khó khăn, triển khai các mô hình Bếp yêu thương, Khách sạn cộng đồng, Tủ lạnh cộng đồng, Cơm di động miễn phí, nhất là mô hình bệnh viện tại nhà được xem như là bệnh viện dã chiến không đồng, không sử dụng ngân sách nhà nước đã điều trị cho hơn 470 bệnh nhân thoát khỏi COVID-19… Ông đại diện cho những người con từ khắp mọi miền Tổ quốc đã chọn Thành phố là nơi sinh sống, học tập và cống hiến.