Phản biện xã hội về Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND của UBND TPHCM về quy định Bảng giá đất trên địa bàn TPHCM

Chiều 12/8, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo quyết định điều chỉnh Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/01/2020 của UBND thành phố quy định về bảng giá đất trên địa bàn thành phố.

Tham dự hội nghị, có ông Nguyễn Mạnh Cường, Thành ủy viên, Trưởng ban Dân vận Thành ủy; ông Nguyễn Toàn Thắng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thành phố; bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố…

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, trong đó quy định nhiều nội dung mới ảnh hưởng trực tiếp, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội cũng như mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố, một trong những nội dung quan trọng là việc bỏ khung giá đất và quy định bảng giá đất được điều chỉnh hằng năm, trường hợp cần thiết có thể điều chỉnh trong năm để phù hợp với giá thị trường.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy, ngày 16/01/2020, Ủy ban nhân dân (UBND) TPHCM đã ban hành quyết định quy định về Bảng giá đất trên địa bàn thành phố. Qua thời gian triển khai thực hiện, đến nay đã phát sinh nhiều bất cập, hạn chế, không còn phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn, như: Bảng giá đất chưa tiệm cận giá đất thị trường, phạm vi áp dụng hẹp, chỉ sử dụng cho 8 trường hợp để thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, chu kỳ xây dựng bảng giá đất kéo dài, khó cập nhật biến động thị trường, thiếu giá đất tái định cư để kịp thời giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố… Với mục đích, ý nghĩa đó; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đề nghị các đại biểu tập trung phản biện về phạm vi điều chỉnh; các đối tượng áp dụng; bảng giá các loại đất; thời gian áp dụng bảng giá đất.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở TN-MT thành phố, Nguyễn Toàn Thắng trình bày tóm tắt dự thảo quyết định điều chỉnh quyết định 02/2020 của UBND TPHCM về bảng giá đất trên địa bàn thành phố...

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Đình Trữ, Phó chánh Thanh tra TPHCM cho biết, mặc dù Luật đất đai 2024 có hiệu lực ngày 01/8, nhưng quy định cho phép sử dụng bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành đến ngày 31/12/2025. Do đó, thành phố cần cân nhắc thực hiện bảng giá đất điều chỉnh…

Luật sư Nguyễn Văn Hậu phát biểu ý kiến.

Còn Luật sư Nguyễn Văn Hậu, thành viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố cho rằng, việc điều chỉnh bảng giá đất phải hài hòa 3 lợi ích: lợi ích nhà nước, lợi ích của người sử dụng đất và lợi ích của người đầu tư. “Đứng ở góc độ nhà nước tôi rất đồng tình việc điều chỉnh bảng giá đất. Nhưng nếu đứng góc độ người sử dụng đất và doanh nghiệp thì việc sử dụng bảng giá đất điều chỉnh chưa phù hợp, nó gây áp lực kinh tế rất lớn, đặc biệt là các huyện ngoại thành”, ông Hậu nhận định.

Luật sư Hậu cũng kiến nghị, tiếp tục áp dụng bảng giá đất cũ cho đến 31/12/2025. Như vậy, thành phố sẽ có thêm một năm rưỡi để có thời gian sửa đổi, bổ sung dự thảo này cho phù hợp; đánh giá tác động một cách toàn diện.

Ông Võ Minh Mẫn, một người dân Phường 7 (Quận 10) cho biết, theo bảng giá đất điều chỉnh mà Sở TN-MT thành phố đưa ra, có nhiều con đường có mức giá “khó hiểu”. Riêng Đường 3/2, chỉ một con đường xuyên suốt nhưng có đến 3 mức giá khác nhau, chia làm nhiều đoạn. Đường Ngô Quyền và đường Nguyễn Kim có sự tương đồng về nhiều điểm, nhưng lại có sự chênh lệch giá cao theo bảng giá đất điều chỉnh.

Ông Mẫn kiến nghị việc ban hành bảng giá đất điều chỉnh cần nghiên cứu kỹ, “làm nhanh nhưng không vội”...

Tại hội nghị, Luật sư Trương Thị Hòa, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố nhận định, rất cần sự điều chỉnh bảng giá đất theo hướng tăng, nhưng cần xác định tăng vào thời điểm nào và tăng như thế nào?... “Cần thiết phải làm, nhưng phải thực hiện đúng luật, đầy đủ và từng bước; cái nào cần làm trước. Bảng giá đất ban hành phải trên cơ sở hài hòa giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp. Cần tổng hợp, lấy ý kiến từ cấp cơ sở cho đến quận, huyện”, Luật sư Hòa cho biết.

Bên cạnh đó, một số đại biểu kiến nghị, cần điều tra, khảo sát thực tế trước khi ban hành Bảng giá đất theo quy định của Luật đất đai 2024. Thực hiện theo đúng Điều 158 Luật Đất đai 2024 về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư và để đảm bảo theo đúng các qui định tại Nghị định số 71/2024/NĐ-CP ngày 27/6/2024 của Chính phủ bao gồm: Căn cứ xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất; nội dung xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất); điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất; trình tự điều chỉnh bảng giá đất đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai…

Đại biểu tham dự hội nghị nêu ý kiến.

Giải trình tại hội nghị, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, trong những năm gần đây việc bồi thường cho người dân không áp dụng cứng nhắc bảng giá đất hiện hành, mà có sự điều chỉnh để hài hòa lợi ích cho người dân. Từ những dữ liệu điều chỉnh này, Sở TN-MT làm cơ sở để xây dựng, đề xuất bảng giá đất điều chỉnh với mục đích đảm bảo lợi ích cho các bên, phù hợp với thực tế.

Về việc bảng giá đất điều chỉnh sẽ làm tăng chi phí khi làm thủ tục đất đai, ông Thắng khẳng định việc lấy diện tích đất, nhân với giá ghi trong bảng giá đất điều chỉnh để suy ra chi phí phải trả là chưa chuẩn. Bởi chi phí đăng ký đất đai còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có thể kể đến như: thời điểm sử dụng đất, cá nhân thuộc dạng ưu tiên...

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Thị Kim Thúy trân trọng ghi nhận những ý kiến của các đại biểu xung quanh dự thảo quy định điều chỉnh bảng giá đất trên địa bàn thành phố. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và lãnh đạo Sở TN-MT mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp của các đại biểu, cũng như người dân quan tâm, từ đó tiếp tục tổng hợp để cùng các sở ngành liên quan tham mưu cho lãnh đạo thành phố sớm xem xét, quyết định.