Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố: Cần quan tâm đánh giá sự hài lòng của người dân về việc giải quyết thủ tục hành chính

Sáng ngày 8/11, Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hồ Chí Minh làm việc với Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc công khai, minh bạch, thực hiện thủ tục hành chính nhà nước liên quan đến lĩnh vực đất đai, thực hiện công tác chuyển đổi số và xây dựng đô thị văn minh.

Những khó khăn, bất cập của Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố

Báo cáo với đoàn giám sát, bà Bùi Thị Bích Tuyền, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố cho biết, Văn phòng là đơn vị sự nghiệp công lập của UBND Thành phố, được thành lập năm 2015. Từ năm 2018 đơn vị được giao quyền tự chủ tài chính. Trước 01/6/2023 khi chưa được tăng mức phí, mức thu theo quy định các loại thủ tục hành chính thấp hoặc chưa có quy định thu thì thu không đủ bù chi, dẫn đến thiếu kinh phí để chủ động trong mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động, ảnh hưởng đến thu nhập của viên chức, người lao động.

Hiện nay, Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố có 7 phòng chuyên môn, 22 chi nhánh. Chi bộ Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố trực thuộc Đảng ủy Sở Tài nguyên Môi trường; còn 22 chi nhánh thì thuộc các quận, huyện ủy, Đảng ủy cơ quan Chính quyền. Với mô hình này thì công tác chỉ đạo điều hành chung vẫn chưa thống nhất giữa chính quyền, đảng trong toàn hệ thống.

Bà Bùi Thị Bích Tuyền, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố báo cáo với đoàn giám sát

Bên cạnh đó, bà Tuyền cũng nêu ra những khó khăn mà đơn vị còn gặp phải như cơ sở dữ liệu đất đai được lưu trữ phân tán và chưa đầy đủ; hiện nay, hệ thống vừa thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, vừa cập nhật làm sạch dữ liệu; với các loại hồ sơ trước ngày 1/6/2023 thì tổng khối lượng hồ sơ cần số hóa tập trung có thể trải dài hơn 40km; máy móc thiết bị, đa số đều được trang bị từ trước năm 2015, cấu hình yếu, đường truyền mạng thấp, không ổn định dẫn đến công tác tác nghiệp hằng ngày và khai thác sử dụng dữ liệu gặp khó khăn nên cũng ảnh hưởng chuyển đổi số. Đặc biệt, thời gian giải quyết thủ tục hành chính ngày càng rút ngắn, phần mềm dữ liệu đồng bộ từ Trung ương xuống không có, trong khi đơn vị còn phải kiểm tra hiện trạng đăng ký đất đai (Theo Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 25 tháng 7 năm 2019 của Thành Ủy thành phố Hồ Chí Minh về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố); phối hợp với các cơ quan khác để thẩm định... nên vẫn còn nhiều hồ sơ bị trễ hạn.

Để giải quyết hồ sơ đất đai, một thửa đất ngoài chịu sự tác động của Luật đất đai còn chịu tác động của các luật khác như: Đối với cá nhân có Luật nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Quốc tịch, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Dân cư; đối với tổ chức doanh nghiệp có Luật kinh doanh Bất động sản, Luật Danh nghiệp; các văn bản quy phạm liên quan đến tài sản công... Chưa kêt các khu đất có nguồn gốc đặc thù phải chịu sự điều chỉnh các quy phạm pháp luật đặc thù như tôn giáo, đất an ninh quốc phòng, đấ cổ phần hóa. Bên cạnh đó còn có các văn bản ngăn chặn của cơ quan có thẩm quyền, kết luật của Thanh tra, kiểm toán..., đặc biệt là hồ sơ có lịch sử pháp lý chưa hoàn chỉnh, thậm chí có sai sót và người dân, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các quyền cần phải thực hiện rà soát thì đơn vị bắt buộc phải mượn hồ sơ lưu để kiểm tra, đối chiếu cơ sở dữ liệu đất đai, thông tin pháp lý, dẫn đến chậm tiến độ giải quyết.

Hiện nay, Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố đang phân tách 03 loại hồ sơ: (1) Hồ sơ thuộc thẩm quyền đơn vị trực tiếp giải quyết (loại này xử lý rất nhanh, đúng thời hạn); (2) Hồ sơ cần có phối hợp với các đơn vị khác (ví dụ phối hợp với cơ quan thuế, Sở Xây dựng, cơ quan điều tra...);  (3) Hồ sơ không thuộc thẩm quyền của đơn vị (nhưng vẫn phải tiếp nhận).  Đơn vị cũng thực hiện quy định về việc thực hiện thư xin lỗi người dân trong trường hợp bị chậm, trễ tiến độ, tuy nhiên, nhiều trường hợp rơi vào loại hồ sơ (2) và (3) nói trên thì việc xác định thẩm quyền ký còn nhiều vấn đề bất cập.

Luật sư Trương Thị Hòa đặt câu hỏi với Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố

Nỗ lực để đạt tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn đạt 97%

Để hỗ trợ người dân trong thực hiện thủ tục hành chính và chuẩn hóa việc hướng dẫn, tránh trường hợp người dân phải đi lại nhiều lần do thay đổi viên chức hướng dẫn, hướng dẫn không thống nhất, từ ngày 01/6/2023, đơn vị đã hoàn thiện mẫu Phiếu hướng dẫn, Phiếu từ chối nhận hồ sơ và triển khai áp dụng cho các trường hợp đến nộp hồ sơ; riêng 22 chi nhánh trực thuộc đa số sử dụng khu vực Bộ phận Một cửa chung của UBND quận, huyện, Giám đốc Chi nhánh chủ động phân công viên chức người lao động trực.

Đơn vị cũng tổ chức niêm yết công khai thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa và trên Trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường; tổ chức tuyên truyền bằng hình thức pano, clip hướng dẫn.

Cấp ủy của Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố đã chỉ đạo để tập trung chuyển đổi số, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, giảm hành chính, đẩy mạnh phong trào thi đua, sáng tạo, tăng cương kiểm tra và xây dựng các giải pháp để nâng cao đạo đức công vụ, trình độ chuyên môn để thích nghi với quá trình chuyển đổi số của Thành phố.

Cần quan tâm đến sự hài lòng của người dân

Tại buổi giám sát, các thành viên của đoàn đã đặt nhiều vấn đề cụ thể đối với Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố, ví dụ như đối với việc cấp Giấy chứng nhận đất đai lần đầu, khi tiến hành đo đạc hiện trạng thửa đất thực tế thì thường tăng hơn, đơn vị đã phối hợp như thế nào để xác minh và cấp giấy cho người dân; ngoài việc phát giấy hướng dẫn thực hiện thủ tục hồ sơ thì còn giải pháp nào khác không; làm sao để giám sát nội bộ về việc cán bộ viên chức phải thực hiện đúng những danh mục thủ tục hành chính và các quy trình mà đơn vị đã công khai; việc  chủ động xây dựng cổng dịch vụ công của đơn vị và kết nối với cổng dịch vụ công của thành phố…

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố phát biểu kết luận buổi giám sát

Kết luận buổi giám sát, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố ghi nhận những nỗ lực cao của tập thể Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố, bởi với những điều kiện khó khăn, nhiều rủi ro về mặt pháp lý cho cán bộ viên chức thực hiện nhiệm vụ, nhưng đơn vị đã đạt chỉ tiêu hoàn thành giải quyết thủ tục hành chính đạt tỷ lệ 97% với nhiều giải pháp sáng tạo.

Ông cũng đề nghị thời gian tới, đơn vị cần phải tiếp tục quan tâm đến công tác tuyên truyền trong Nhân dân các nội dung có liên quan đến việc thực hiện công khai, minh bạch thực hiện thủ tục hành chính Nhà nước liên quan đến lĩnh vực đất đai, công tác chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh; tăng cường phối hợp với các đơn vị thông qua các quy chế phối hợp nhằm giải quyết kịp thời thủ tục hành chính cho người dân; gắn nội dung, tiêu chí thi đua đối với cán bộ viên chức để đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra định kỳ để phòng ngừa xảy ra tiêu cực trong nội bộ; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để xây dựng trang thông tin điện tử của đơn vị nhằm chủ động cung cấp thông tin cho người dân. Đặc biệt, cần quan tâm công tác tiếp dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh của người dân, đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả giải quyết của đơn vị.