Hoạt động tuyên truyền, vận động và công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền là một trong những nội dung quan trọng, trọng tâm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vì vậy thời gian qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố luôn xác định trách nhiệm và chủ động tìm giải pháp để góp phần tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, đặc biệt là khi thực hiện Chính quyền đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Mặt trận Tổ quốc và báo chí - xuất bản đã và đang có một nhiệm vụ tương đồng đó là tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cũng như tham gia thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội. Do đó, để đưa các Nghị quyết 31-NQ/TW ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh đi vào cuộc sống, bên cạnh vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, thì nhiệm vụ của các cơ quan báo chí, xuất bản cũng hết sức quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc hiện thực hóa các Nghị quyết về phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Với chức năng, nhiệm vụ được quy định, Mặt trận Tổ quốc chủ trì phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội. Mặt trận Tổ quốc sẽ tổ chức các hội nghị phản biện xã hội theo đề nghị của cấp ủy, ủy ban nhân dân cùng cấp. Đồng thời, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tập hợp được đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học tham gia các hội đồng tư vấn, ban tư vấn, tổ tư vấn, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện cho các giới, các tầng lớp Nhân dân; là nguồn lực tri thức quý báu để cùng đã tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, giúp các cơ quan có thẩm quyền hoạch định, thực thi có hiệu quả hơn các chính sách, pháp luật.
Báo chí, xuất bản đóng một vai trò quan trọng trong truyền đạt, định hướng thông tin và ghi nhận phản ánh mọi vấn đề trong đời sống xã hội. Điều này đã được kiểm chứng trong thực tiễn từ trước đến nay. Ở góc độ phản biện của báo chí, tức là quan điểm, chính kiến của các tòa soạn báo và phóng viên báo chí thông qua tác phẩm báo chí của mình để thực hiện phản biện xã hội trước vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội đang diễn ra trong đời sống xã hội. Báo chí với tư cách một chủ thể lên tiếng phản biện và chịu trách nhiệm về quan điểm, chính kiến của mình. Ở góc độ phản biện xã hội qua báo chí, tức là chức năng phản ánh của các chuyên gia, nhà khoa học, độc giả, nhân dân... dùng báo chí làm công cụ, phương tiện để thể hiện quan điểm, chính kiến và ý kiến của mình đối với các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội và luật pháp của xã hội, đặc biệt là trước những chính sách và sự thực thi chính sách của Nhà nước. Chủ thể của sự phản biện là các chuyên gia, nhà khoa học, độc giả, nhân dân... thực hiện các quyền dân chủ, quyền tự do ngôn luận, mà luật pháp của Nhà nước ta đã quy định, để phản biện những vấn đề đang nảy sinh trong chính sách và việc thực thi chính sách của Nhà nước. Báo chí thực hiện chức năng chuyển tải, phản ánh những tiếng nói đồng tình, không đồng tình, tâm tư, nguyện vọng, ý kiến góp ý của người dân trước những vấn đề nảy sinh trong xã hội.

Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội Nhà báo tổ chức Tọa đàm "Phát huy vai trò báo chí xuất bản tham gia thực hiện các Nghị quyết về phát triển Thành phố Hồ Chí Minh" vào sáng 02/11/2023
Vấn đề đặt ra là Mặt trận Tổ quốc và báo chí - xuất bản sẽ phối hợp với nhau trong phản biện xã hội như thế nào?
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp sẽ là cầu nối để báo chí - xuất bản tiếp xúc với các chuyên gia, nhà khoa học, các vị chức sắc, chức việc, người tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào các giới, các dân tộc để tham vấn các vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết 31-NQ/TW và Nghị quyết 98/2023/QH15. Các cơ quan báo chí truyền thông sẽ mở các diễn đàn tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia và mọi tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến cho chính sách, pháp luật của Nhà nước; đăng tải các ý kiến một cách công khai. Đây được xem là phương thức phản biện xã hội dễ thu hút và hiệu quả, nhất là trên môi trường internet của báo điện tử, tạp chí điện tử, bởi tính công khai, minh bạch, dễ tìm kiếm nhưng vẫn đảm bảo tính tập trung và tính khoa học. Đối ứng lại, báo chí - xuất bản cần nhận thức sâu hơn, chủ động thực hiện vai trò phản biện xã hội trong quá trình xây dựng thực hiện chính sách công, cũng như trong tiếp cận các vấn đề kinh tế - xã hội đã và đang đặt ra. Cần quan tâm phát triển đội ngũ nhà báo chính luận, có khả năng phân tích, bình luận chính sách cũng như các vấn đề kinh tế - xã hội để gợi mở cùng với các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra các bình luận sắc sảo, góc nhìn rộng hơn để thực thi chính sách.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thông qua các hội nghị phản biện sẽ tập hợp được tiếng nói của đại diện các giới, các tầng lớp Nhân dân. Đây là tư liệu quan trọng để báo chí có những tuyến bài viết truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội. Theo đó, báo chí, xuất bản với các đặc trưng và thế mạnh của mình, cần gia tăng năng lực kết nối với hệ sinh thái truyền thông trực tuyến để làm tốt hơn chức năng phản biện xã hội. Trên “mặt trận” thông tin này, báo chí phải luôn chủ động tạo luồng ý kiến chính thức, chính thống với tinh thần phản biện khoa học, chính trực trên cơ sở các luận điểm, luận cứ, luận chứng thuyết phục. Đồng thời, đòi hỏi cần bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, nâng cao trách nhiệm xã hội của người cầm bút bởi mỗi nhà báo là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Thực tế cho thấy, vẫn có trường hợp thay vì phản biện chính sách, các bài viết chuyển sang “phản bác”, phê phán, thậm chí công kích chính quyền với những lý lẽ viện dẫn từ “một bộ phận lớn người dân”, “đa số người dân”... với thái độ tiêu cực, gây tác động xấu tới dư luận xã hội.
Bên cạnh đó, chúng tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng cơ chế bảo vệ phóng viên chính trực, dám phân tích và nhìn đúng vào sự thật những vấn đề còn hạn chế của chính sách.
Thực tiễn chứng minh, Báo chí - xuất bản đã đem đến cho Nhân dân những thông tin kịp thời về định hướng phát triển đất nước, đồng thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân tới Đảng, Nhà nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bên cạnh kênh thông tin từ cộng tác viên dư luận xã hội, lực lượng cốt cán phong trào cũng rà soát, chọn lọc các thông tin của báo chí chính thống để ghi nhận tiếng nói của Nhân dân. Thông qua báo chí, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam truyền tải những vấn đề cần gửi gắm đến Nhân dân. Sự phối hợp đồng bộ của Báo chí - xuất bản và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đặc biệt trong giai đoạn hiện nay việc triển khai thực hiện Nghị quyết 31-NQ/TW và Nghị quyết 98/2023/QH15 sẽ mang lại những giá trị khách quan, gợi mở các ý tưởng từ Nhân dân để Nghị quyết phù hợp và đi sâu vào trong cuộc sống của Nhân dân.