Ngày 17 tháng 4 năm 2009, Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu – Vì tuyến đầu Tổ quốc” được thành lập với mong muốn tạo nguồn lực bền vững cho các hoạt động chăm lo đời sống quân, dân nơi biên giới, hải đảo. Từ năm 2016, Quỹ được đổi tên thành “Vì biển đảo quê hương – Vì tuyến đầu Tổ quốc”, thể hiện sự bao trùm và tính kế thừa mạnh mẽ. Trong 15 năm qua, TP.HCM, địa phương duy nhất cả nước duy trì mô hình Quỹ đặc biệt này, đã thực hiện hơn 300 chuyến công tác đến các vùng biên giới, hải đảo. Từ những ngày đầu bỡ ngỡ, đến nay, Quỹ đã vận động hơn 552 tỷ đồng, hoàn thành hàng trăm công trình dân sinh, thiết thực như: 105 “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, 19 công trình “Nước ngọt vùng biên”, chương trình “Vì Trường Sa xanh” với tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng…

Bà Võ Thị Dung - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM chia sẻ: “Mười mấy năm qua đó tôi cũng may mắn là có được vài chuyến đi đến với biển đảo, biển, đảo của chúng ta bây giờ đẹp lắm, vững vàng và cái niềm tin của mình mỗi lần đến với biển đảo, cái niềm tin của mình càng dâng lên và chúng ta thấy rằng là chúng ta rất là tự hào và đồng thời cũng là một cái động lực để giúp chúng ta ở đất liền thấy rằng là cái ý nghĩa. Khi chúng ta hướng về biển, đảo thì cái nơi đó là cái niềm tin, là cái động lực để chúng ta phấn đấu công tác, học tập và sống có ý nghĩa hơn với đồng bào, với cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu Tổ quốc”.
Mỗi chuyến đi đến biển, đảo lại thắp sáng niềm tin, khơi dậy lòng tự hào và tạo động lực để người dân đất liền sống có ý nghĩa hơn, hướng về nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Không chỉ là những đóng góp vật chất, Quỹ còn chú trọng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Em Phạm Minh Tường, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Thái Hưng, phường Chánh Hưng, xúc động chia sẻ sau chuyến đến dâng hương tại Tượng đài Đoàn tàu không số:“Con về trường con sẽ gửi thông điệp đến mọi người trong trường con rằng ở ngoài đây các cô chú bảo vệ biển, đảo rất là tích cực. Ở ngoài đây thì con thấy rất là khó khăn. Ở trường tụi con cũng tham gia đóng góp biển đảo. Thường thì ở trường tụi con cứ 10 bạn thì có 9 bạn đóng góp. Sau buổi lễ này con sẽ về trường và vận động các bạn 10 bạn thì 10 bạn cùng đóng góp. Vậy thì cả trường sẽ cùng đóng góp thì các cô chú sẽ có thể mua được như là nước sạch, nước ngọt và thực phẩm, lương thực. Khi mà mình đóng góp như vậy thì mình sẽ thể hiện được tình yêu thương với đất nước, biển đảo”.
Tại TP.HCM, nhiều trường học đã sáng tạo trong cách làm: nuôi heo đất, tổ chức các phong trào “mỗi bạn mời một bạn góp biển đảo”. Cô Chiêu Tuyết Phương, giáo viên tổng phụ trách đội Trường Tiểu học Thái Hưng, cho biết: “Trường cũng sẽ tiếp tục vận động các bạn tăng gia nuôi heo đất mình gửi về mặt trận của phường, và hôm nay thì đến được ở đây thì cảm thấy rất là xúc động và cũng rất là tự hào và các bạn cũng là tiêu biểu nhất của thành phố. Đến đây tham tham dự cái buổi lễ ngày hôm nay thì cảm thấy là mình khi nghe các cô chú chia sẻ thì cảm thấy rất là thiêng liêng. Ở vùng biển đảo quê hương mình, các cô chú bảo vệ rất là vất vả, khó khăn và những người thành phố tích cực để đóng góp, hỗ trợ những cái vùng xa xôi, vùng khó khăn như thế này”.
Ông Trần Thành Long, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, khẳng định Quỹ là sự kết tinh của niềm tin, trách nhiệm và tình cảm của người dân Thành phố đối với cán bộ chiến sĩ nơi đảo xa:“Mặt trận Thành phố được vinh dự là đơn vị tổ chức đi thăm chiến sĩ Trường Sa, mà đi riêng Thành phố mình và ủng hộ cho Trường Sa rất là nhiều bà con ở Trường Sa, chiến sĩ rồi vợ con ở nhà cũng khó khăn lắm. Khi ra Trường Sa đó có một sĩ quan có con gái bị tim bẩm sinh. Lúc đó ở Viên tim mà chú đi về chú đề nghị là giúp mổ tim, thế là đưa lên mổ tim ngay. Chú vui lắm là vì thấy là bà con của mình tất cả những ai biết đến Trường Sa đều rất ủng hộ Trường Sa đấy mà đi Trường Sa lúc đó khổ lắm chứ không phải như bây giờ”.
Trong đại dịch Covid-19, dù đối mặt vô vàn khó khăn, Quỹ vẫn nhận được sự ủng hộ. Bà Tô Thị Bích Châu, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM, lý giải:“Thật ra cái nguồn quỹ của chúng ta để chăm lo cho biển, đảo quê hương, cho tuyến đầu Tổ quốc thì nó không nhiều nhưng nó nhiều ở đây là nhiều tấm lòng, tình yêu nước của người dân TPHCM đến với lại biển, đảo giúp cho các chiến sĩ ở đó yên tâm hơn, giữ vững bờ cõi quê hương, đất nước. Từ đó chúng tôi vẫn thấy là trong những năm đại dịch đó dù là rất khó khăn và cũng chính nhờ uy tín của Mặt trận, niềm tin đối với Mặt trận của người dân thì chúng tôi vận động có thể là từng người đóng góp ít hơn nhưng mà nhiều người góp hơn. Do đó thì cái nguồn quỹ nó không có cạn”
Chia sẻ từ những người lính từng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo càng làm rõ thêm ý nghĩa của hành trình 15 năm ấy. Thượng tá Phạm Văn Hưng, nguyên thuyền trưởng tàu 505 anh hùng, nguyên Thuyền trưởng của các đoàn tàu Không số, cho biết: Đối với những người trực tiếp đang và đã tham gia để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chúng ta tưởng tượng cái hồi xưa khi sơ khai thì quần đảo Trường Sa chúng ta không có rau xanh, không có nước ngọt, đặc biệt về tình cảm nửa năm trời mới có một chuyến tàu đưa ra cho chúng ta được cái lá thư của quê nhà được đưa ra một cái tạp chí, không có điện thoại nhưng đến bây giờ chúng ta hàng ngày chúng ta được xem tivi, chúng ta được gọi điện giao lưu với người thân ở nhà thì thấy rằng cái đời sống của cán bộ, chiến sĩ được nâng lên thì tôi thấy rằng đó là một cái ý nghĩa và để anh em vững tâm để mà tiếp tục làm cái sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo”.
15 năm là một hành trình không chỉ của vật chất, mà hơn hết là hành trình khơi dậy tình yêu nước, trách nhiệm công dân và tinh thần đoàn kết dân tộc. Dù phía trước còn nhiều gian khó, TP.HCM sẽ mãi là hậu phương vững chắc, tiếp tục đồng hành với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi biên cương, hải đảo – góp phần giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc./.