Dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu

Chiều 02/3, trong khuôn khổ các hoạt động nhân kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng Việt Nam (03/3/1959 - 03/3/2025) và 36 năm Ngày hội biên phòng toàn dân (03/3/1989 - 03/3/2025); 115 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2025), 1985 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Đoàn đại biểu Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, do ông Nguyễn Thành Trung, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM làm trưởng đoàn đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh liệt sĩ và Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu tại Khu công viên tượng đài và Nhà lưu niệm Võ Thị Sáu, thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Nguyễn Thành Trung, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM dâng hương tưởng nhớ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu.

Với lòng thành kính và biết ơn, các thành viên trong đoàn đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, người nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Anh hùng Võ Thị Sáu sinh năm 1933 tại huyện Long Đất (tỉnh Đồng Nai cũ, nay là huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Năm 1947, khi mới 14 tuổi, chị đã là chiến sĩ trinh sát của Đội Công an xung phong Đất Đỏ, làm nhiệm vụ liên lạc và tiếp tế. Tháng 02/1950, chị Sáu nhận nhiệm vụ ném lựu đạn tiêu diệt hai chỉ điểm viên của thực dân Pháp nhưng không may bị bắt. Chị lần lượt bị đưa đi thẩm vấn và giam giữ tại các nhà tù Đất Đỏ, Bà Rịa và khám Chí Hòa. Tháng 4/1950, Pháp mở phiên tòa xử chị án "tử hình” khi chưa đủ 18 tuổi. Bản án này đã gây chấn động dư luận, gây ra sự phản đối mạnh mẽ cả tại Việt Nam và Pháp. Chính vì vậy, chính quyền quân sự Pháp không thể công khai thi hành bản án nên tiếp tục giam cầm chị. Sau đó chúng đưa chị Sáu ra Côn Đảo để hành quyết vào ngày 23/01/1952. Thi thể của chị được chôn ở Nghĩa trang Hàng Dương.

Các đại biểu dâng hương tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu.

Năm 1993, chị Võ Thị Sáu được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hình ảnh kiên trung, bất khuất, phẩm chất cao đẹp của người con gái Đất Đỏ và cái chết hiên ngang của chị đã trở thành biểu tượng cho các thế hệ mai sau noi theo. Để ghi nhớ công ơn nữ Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu và nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, năm 1980, Huyện ủy, UBND huyện Long Đất (nay là huyện Long Điền và Đất Đỏ) đã xây dựng công viên, tượng đài Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu trên khu đất có diện tích 4.100m2 tại thị trấn Đất Đỏ. Trong công viên có đặt bức tượng bằng đồng cao 7m, khắc họa hình ảnh chị Sáu ngẩng cao đầu, hiên ngang ra pháp trường...

Tại Nhà Tưởng niệm nữ anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu, sau khi dâng hương, các thành viên trong đoàn đã tham quan khu trưng bày, nghe giới thiệu về tiểu sử, quá trình hoạt động cách mạng, sự kiên trung, bất khuất của nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu.