Giáo sư, bác sĩ, Anh hùng lao động Tôn Thất Tùng: Nhà khoa học Y khoa hàng đầu đất nuớc với sự nghiệp cứu người

    Cuộc đời sôi nổi cống hiến của người thầy thuốc trẻ

    Là học sinh, rồi sinh viên có trí tuệ thông minh xuất chúng, chỉ mới 27 - 28 tuổi, Bác sĩ Tôn Thất Tùng đã có công trình được tặng huy chương bạc của Liên hiệp Pháp và huy chương bạc của Đại học Y Paris. Ông trở thành chủ nhiệm Khoa Ngoại Trường Y Hà Nội khi mới 28 tuổi. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, ông đã công bố 62 công trình trên các tạp chí y học Pháp ở Paris và ở toàn xứ Viễn Đông, trở thành nhà y khoa được công bố nhiều công trình nhất lúc đó.

   Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông cùng giáo sư Hồ Đắc Di, giáo sư Hoàng Tích Trí, giáo sư Đặng Văn Ngữ và một số thầy thuốc khác đã đổ nhiều công sức xây dựng Trường đại học Y tại làng Ải, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Lúc đó, ông là Thứ trưởng Bộ Y tế, Cố vấn phẫu thuật của Bộ Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam, ông luôn có mặt tại các chiến trường và đã trực tiếp tham gia mổ xẻ cho hàng trăm thương binh nặng từ chiến trường Điện Biên Phủ, sớm phục hồi sức khỏe.

   Sau ngày giải phóng thủ đô (10-10-1954), do chuyên môn bận quá nhiều, ông xin từ chức Thứ trưởng Bộ Y tế để chuyên tâm làm Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn (về sau đổi tên Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức), để tập trung nghiên cứu phương pháp mới trong phẫu thuật gan - cắt gan. Sau khi được tạm nghĩ Thứ trưởng Bộ Y tế, ông tập trung thời gian vào các đề tài chuyên môn và năm 1955 ông là người đầu tiên ở Việt Nam đã đạt thành quả với ca mổ tim đầu tiên tại đất nước ta thành công, trong điều kiện thủ đô Hà Nội giải phóng chỉ mới một năm, còn bao nhiêu thiếu thốn.

    Trở về Hà Nội giải phóng năm 1954, giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng nhận được thông tin: Vào năm 1952, giáo sư Lortat-Jacob ở Pháp thành công trong việc cắt gan “có quy phạm” bằng cách: Trước khi cắt gan, tìm và buộc tất cả các mạch máu ở ngoài gan. Nhà phẫu thuật Việt Nam bỗng cảm thấy mình lại hăm hở như xưa, lại muốn lao vào làm tiếp những công việc y khoa bậc cao cấp, về mổ cắt gan, bị bỏ dở đó khi từ năm ông 27 tuổi.

    Điều đó đã làm ông say mê, do đó ngày 7-01-1961, tại Bệnh viện hữu nghị Việt - Đức, ông chủ tay mổ cắt thuỳ gan phải của một người bị bệnh ung thư tên là Hải. Ca mổ kéo dài từ 9 giờ 30 phút đến 9 giờ 36 phút - tức chỉ có 6 phút, một kỷ lục không ngờ ở cả Việt Nam và thế giới lúc đó. Phương pháp Tôn Thất Tùng khác với phương pháp Lortat-Jacob ở chỗ, bác sĩ Tôn Thất Tùng tìm ngay trong gan (qua tổ chức gan bị bóp vỡ) các mạch máu và ống mật, còn vị giáo sư Pháp thì mới chỉ tìm ở ngoài gan (tại đoạn người ta gọi là cuống gan trong y học).

    Người Việt Nam đạt nhiều kinh nghiệm mcắt gan nhất thế giới

    Tại thủ đô Hà Nội, khi về Bệnh viện Việt - Đức làm Giám đốc, trong vòng một năm, giáo sư Tôn Thất Tùng đã cắt gan 50 trường hợp, vượt kỷ lục của Lortat-Jacob... 10 lần! Nhà phẫu thuật Việt Nam đã trở thành người có nhiều kinh nghiệm cắt gan nhất thế giới lúc đó.

    Trong đời khoa học, Ông đã viết nhiều công trình nghiên cứu để lại cho sự nghiệp y khoa. Trong đó, cuốn “Viêm tụy cấp tính và phẫu thuật” của ông được xuất bản là cuốn sách khoa học đầu tiên về ngành Y được xuất bản tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cách mạng thành công, ông được cử làm Giám đốc BV Phủ Doãn, cùng với giáo sư Hồ Đắc Di bắt tay xây dựng trường Đại học Y. Từ năm 1954, ông là Giám đốc BV Hữu nghị Việt-Đức, và giữ cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại của Đại học Y Dược Hà Nội. Con trai ông, giáo sư Tôn Thất Bách về sau cũng là người mổ gan trình độ cao và có công cứu sống nhiều bệnh nhân gan nhất của thủ đô Hà Nội, sau hơn 25 năm cống hiến cho ngành Y tại Bệnh viện hữu nghị Việt-Đức.

    Với tài năng đóng góp cho ngành y vượt trội của mình, tên tuổi giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng được giới y khoa khắp nơi trên thế giới biết và kính trọng. Ông được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Liên Xô, thành viên Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris, hội viên Hội Quốc gia những nhà phẫu thuật Cộng hòa Dân chủ Đức, thành viên Hội những nhà phẫu thuật Algérie… Riêng trong lĩnh vực mổ gan, một lĩnh vực làm nên tên tuổi của ông, GS.BS Tôn Thất Tùng đã có hơn 50 công trình đăng tải trên các tạp chí phẫu thuật uy tín trên thế giới. 

   Những người trong thời gian đó đã công kích ông dữ dội , song một khi đã thấu hiểu phương pháp mới lạ và độc đáo của ông, liền “phục thiện” trước chân lý, quay lại ca ngợi ông hết lời, coi ông là “người cha”, là vị “tổ sư” của phương pháp cắt gan có quy phạm, về sau được gọi là “phương pháp Tôn Thất Tùng” (Ton That Tung Method). Đúng như giáo sư Hồ Đắc Di, “người thầy đầu tiên” của GS Tôn Thất Tùng, đã nói: “Khoa học là sự nổi dậy của tư duy!” Mệnh đề này có nghĩa: Một khám phá khoa học mới mẻ thường lật nhào những định kiến sai lầm đã từng ngự trị hàng thể kỷ, khi nhìn đến những ca mổ gan và mổ tim không ngờ đạt hiệu quả quá cao, như phương pháp của giáo sư Tôn Thất Tùng.

Sau những ca phẩu thuật này, cuốn “Phẫu thuật cắt gan” của giáo sư Tôn Thất Tùng được Nhà xuất bản Masson cho in ở Pháp, sau đó, được Nhà xuất bản Meditsina dịch, in ở Nga. Phương pháp Tôn Thất Tùng được đưa vào Bách khoa thư Nội thương - Phẫu thuật của Pháp, và được in trong Chon lọc các Tài liệu Sản khoa và Phẫu thuật của Mỹ.

    Điều đau buồn cho cả các thế hệ thầy thuốc, là Ông qua đời sáng ngày 7-5-1982 tại Hà Nội, với hưởng thọ chỉ 70 tuổi. Một sự ngẫu nhiên kỳ lạ, khi người chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa ra đi đúng vào Ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tối hôm trước, trong bữa cơm gia đình thân mật tại nhà riêng ông ở phố Lê Thánh Tông - Hà Nội, ông còn chuyện trò sôi nổi với những người bạn thân thiết: giáo sư Hồ Đắc Di, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giáo sư Trần Đại Nghĩa..., song không ngờ, sự nghiệp sáng ngời của ông bị ngưng lại, do một cơn bệnh đột quỵ tái phát.

   Đánh giá về sự nghiệp của ông, năm 1977, Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris đã tặng giáo sư bác sĩ Tôn Thất Tùng Huy chương Lannelongue - là Huy chương được đặt ra từ năm 1911 và cứ 5 năm tặng môt lần cho một người là nhà phẫu thuật xuất sắc nhất thế giới.

   Qua 70 năm ngắn ngủi một đời người (1912 - 1982), giáo sư bác sĩ Tôn Thất Tùng là vị giáo sư đã có nhiều phát minh đáng quý được coi là kinh điển, để lại trong y văn thế giới 123 công trình khoa học sáng giá. Ông đã được tặng Huy chương Phẫu thuật quốc tế Lannelongue; năm 1992 ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và sau đó nhận Giải thưởng khoa học Hồ Chí Minh. Nay có nhiều đường phố ở Hà Nội, TP.HCM (tại quận 3), Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Long An, Cần Thơ… đều có những con đường chính mang tên phố Tôn Thất Tùng - như là biểu tượng sáng ngời một thầy thuốc, nhà khoa học lớn sáng ngời chân lý “Thầy thuốc như mẹ hiền” của đất nước chúng ta./.