Má Mười của những đứa trẻ bất hạnh

Ở cái tuổi ngoài 80, với nhiều vết thương do đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai tra tấn trong năm lần bị bắt, sức khỏe có phần giảm sút, nhưng mặc cho các cơn đau hành hạ, Má Mười vẫn dành trọn tình cảm, tiền bạc và sức khỏe để chăm sóc, nuôi dưỡng và xây dựng tổ ấm cho những mảnh đời bất hạnh tại mái ấm Thiện Duyên ấp Phú Hòa, xã Phú Hòa Ðông, huyện Củ Chi.

Má Mười, tên thật là Trần Thị Cẩm Giang, chủ của mái ấm Thiện Duyên được thành lập từ năm 1988, suốt gần 40 năm qua, nơi đây đã chăm sóc cho hơn 100 mảnh đời bất hạnh. Đó là những trẻ em bại não, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, người già neo đơn. Mỗi em một hoàn cảnh, một số phận bất hạnh khác nhau.

Chân dung Má Mười - Trần Thị Cẩm Giang

Má Mười đến với công việc nuôi, chăm sóc trẻ tật nguyền, mồ côi một cách đầy tình cờ. Năm 1988, má Mười về Củ Chi thăm lại chiến trường cũ. Tại đây, má đau đớn khi biết những người từng nuôi giấu mình trong năm tháng chiến tranh đều đã qua đời. Họ bỏ lại những đứa con tật nguyền không ai chăm sóc. Thương những đứa trẻ bất hạnh, má quyết định nhận các em về nuôi, chăm như con ruột. Má Mười kể: “Lúc đó, tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm nuôi các bé. Bởi, lúc chiến tranh, cha mẹ các con đã chở che, nuôi giấu mình. Tôi gom các bé lại, đưa về chăm sóc trong căn nhà tình thương được dựng tạm trên phần đất của gia đình.

Thấy má chăm các bé như ruột thịt, người ta bắt đầu đem con đến bỏ trước mái ấm. Đa số các bé bị bỏ rơi đều tật nguyền, bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam. Số còn lại, cha mẹ các bé không có điều kiện nuôi hoặc trót mang thai ngoài ý muốn. Không để các bé tổn thương thêm lần nữa, má Mười ẵm vào mái ấm, nhận làm con nuôi. Các bé đều được má làm giấy khai sinh lấy theo họ Trần của má. Với các bé gái, má đều đặt tên là Duyên. Bé trai, má lấy chữ Thiện làm tên lót cho các con.

Thông tin má Mười nuôi trẻ mồ côi, tật nguyền lan xa. Nhiều gia đình có con em bị tật nguyền bẩm sinh, gia cảnh nghèo khổ bắt đầu tìm đến gửi con, nhờ mái ấm “nuôi giúp”. Từ 5 đứa con nuôi, má Mười trở thành má của hơn 100 đứa trẻ. “Đàn con tăng nhanh”, má Mười chật vật hơn gấp bội. Má tất tả sáng bán hủ tiếu, vé số, bánh tráng chiều làm tương chao, muối ớt… bán lấy tiền nuôi con.

Nhưng, dù đã dùng hết những đồng tiền cuối cùng, má vẫn không thể chu toàn bữa cơm, chiếc áo cho bầy con nuôi. Cuối cùng, má quyết định bán căn nhà mặt phố ở quận Tân Bình, TP.HCM để có tiền trang trải. Má bỏ thành thị, về Củ Chi xây mái ấm Thiện Duyên làm nơi cưu mang, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, tật nguyền. Sau này, má Mười cũng nhận chăm sóc, đưa người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn về mái ấm sinh sống.

Mái ấm được chia thành những khu vực riêng như: Trẻ bình thường, trẻ mắc bệnh nhẹ, trẻ bị bại não, trẻ bị động kinh, trẻ sơ sinh và phòng chăm sóc đặc biệt. Ngoài ra, mái ấm dành một không gian riêng làm nơi chăm sóc người già bệnh tật, neo đơn.

Theo lời Má Mười chia sẻ: “Ở đây có bé chưa đầy 1 tuổi, có người đã sống được nửa đời trong mái ấm. Có rách áo mới thương người áo rách nên suốt hơn 30 năm qua, dù gặp rất nhiều khó khăn, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ không chăm lo cho các con. Dù tuổi đã cao, má Mười vẫn minh mẫn, nhớ như in hoàn cảnh của từng đứa con trong mái ấm.

Mặc dù phải bước đi tập tễnh do đôi chân bị những vết thương cũ hành hạ, hàng ngày má Mười vẫn đi thăm nom nơi ăn, chốn ở của từng người, từng em. Nhìn thấy má Mười, các em đều thể hiện tình cảm chân thành bằng ánh mắt, nụ cười hàm ơn người đã nuôi dưỡng, chăm sóc mình.

Trong khu bếp thoáng, rộng, ba, bốn người phục vụ đang chuẩn bị bữa trưa sao cho thực đơn bữa ăn không bị trùng lặp, khẩu phần các con ăn đủ chất, không bị bỏ bữa hoặc chán ăn. Con nào cần bổ sung chất, con nào cần giảm bớt chống béo phì... đều được chuẩn bị công phu, chu đáo. Ngoài ra, má Mười còn Mạnh thường quân hướng dẫn làm thủ tục cho các con được đến trường, đóng góp đầy đủ tiền học, tiền xe cho các con, để các con yên tâm học tập. Má Mười còn mua máy phát điện, pin năng lượng mặt trời về lắp tại các phòng, để lúc nào các con cũng có quạt mát. Tránh để các con chạy ra ngoài đường chơi, ảnh hưởng đến giao thông và chẳng may có điều xấu xảy ra, má Mười đang cho làm sân chơi phía sau dãy nhà.

Để có đủ kinh phí mỗi tháng duy trì cuộc sống các con, bên cạnh sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, má Mười phải bươn chải, làm muối tiêu, làm tương bỏ mối và các đồ trang trí mỹ nghệ... Gần 40 năm qua, có những người nhờ má đã trưởng thành và xin được việc làm, người thì lập gia đình, nhưng cũng có những người bệnh tật, già yếu mà chết. Một tay má Mười lo chu đáo từ nhà ở cho những người lấy vợ lấy chồng hay lo hậu sự cho những người mất.

Hình ảnh những em nhỏ khuyết tật với những nụ cười ngây ngô, thân hình không lành lặn đã phải chịu sự thiệt thòi của số phận khiến cho những người đến thăm mái ấm không khỏi chạnh lòng. Nhưng bằng tấm lòng nhân hậu, má Mười đã đùm bọc, nâng đỡ cho những đứa trẻ, những mảnh đời kém may mắn. Thời chiến, má Mười là nữ du kích ngoan cường, kiên trung. Thời bình, má Mười là tấm gương sáng về tấm lòng nhân ái, cưu mang, giúp đỡ những mảnh đời….