Sáng 07/8, Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Minh - Giảng viên Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại TPHCM đã có cuộc nói chuyện chuyên đề “Kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc trong thanh niên, tri thức trẻ” gắn với việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng Gia đình hạnh phúc trên địa bàn quận giai đoạn 2021 - 2025.

Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Minh - Giảng viên Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại TPHCM nói chuyện tại hội nghị
Buổi nói chuyện do Ủy ban MTTQ Việt Nam quận phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm chính trị, Liên đoàn Lao động quận Phú Nhuận tổ chức. Dự hội nghị có đồng chí Trần Thị Mai Lý, Ủy viên BTV Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận; cùng các đồng chí đại diện Ban Dân vận Quận ủy, phòng Văn hóa - Thông tin, Liên đoàn Lao động quận, Quận đoàn, phòng Giáo dục và Đào tạo quận, đại diện lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc 13 phường và gần 200 gia đình thanh niên, tri trức trẻ tham dự.

Đại biểu tham dự chia sẻ cùng tiến sĩ Nguyễn Thị Minh
Tại buổi nói chuyện, Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Minh đã trao đổi, chia sẻ và giao lưu với các đại biểu nội dung “Gia đình Việt Nam ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Khẳng định, gia đình là bệ phóng, là bến đỗ của mỗi cuộc đời, đối với mỗi người Việt Nam, gia đình là một giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam vì đây là nơi nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nơi cung cấp nguồn nhân lực cho sự phát triển của đất nước. Quan niệm về ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ của gia đình Việt Nam có sự thay đổi theo thời gian, đến hôm nay, theo Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Minh, gia đình hạnh phúc bền vững không chỉ có sự no ấm, bình đẳng, tiến bộ mà còn là nơi hội tụ tổng thể các nét đẹp văn hóa của mỗi gia đình, cộng đồng và xã hội. Nó được thể hiện qua thái độ, hành vi, cách cư xử của mỗi thành viên trong gia đình, thể hiện sự tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ; vợ chồng chung thủy, hiểu biết lẫn nhau.
Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Minh cũng đưa ra những tồn tại, bất cập của gia đình hiện đại Việt Nam hôm nay, như “sùng bái vật chất”, ngoại tình, ly hôn… cần có những điều chỉnh hợp lý để gia đình Việt luôn là một thành tố quan trọng làm nên bản sắc văn hóa dân tộc; là tế bào của xã hội, nơi duy trì môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh trao tặng quà lưu niệm tại hội nghị
Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Minh đã khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác gia đình, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Vì thế, “để xây dựng Gia đình hạnh phúc thì yếu tố không thể thiếu đó là sự tin tưởng lẫn nhau, dựa trên sự thành thật, yêu thương. Khi vợ chồng thấu hiểu, cảm thông và biết đặt mình vào vị trí của nhau thì tự khắc hạnh phúc sẽ đến, cuộc sống cũng tự khắc tươi đẹp hơn”, tiến sĩ Nguyễn Thị Minh chia sẻ.
h