Với tốc độ phát triển nhanh của thời đại công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế, sự phát triển của đất nước nói chung và đường lối đối ngoại nói riêng dưới sự lãnh đạo của Đảng cũng không nằm ngoài sự tác động đó. Không chỉ tạo ra thách thức, thời đại, thời đại công nghệ 4.0 còn tạo ra cơ hội, thời cơ lớn trên nhiều lĩnh vực và tác động không nhỏ đến đường lối đối ngoại của Đảng trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực ngoại giao.
Trên nền tảng của khoa học công nghệ tiên tiến, sự phát triển của công nghệ số, kỹ thuật số, internet và sự kết nối toàn cầu ở nhiều lĩnh vực. Với khả năng tạo ra nhiều loại nội dung khác nhau (từ văn bản đến hình ảnh, âm thanh, hiệu ứng…) chuyển đổi số đã giúp tạo ra những trải nghiệm trực tuyến phong phú và hấp dẫn, thu hút độc giả. Mở ra nhiều phương thức để thực hiện công tác truyền thông hơn so với các phương thức truyền thống như trước đây, như: cho phép tương tác hai chiều, theo dõi phản hồi và đối thoại trực tuyến với công chúng một cách nhanh chóng.
Một số các phương thức truyền thông hiện đại phổ biến ngày nay có thể kể đến như: Thông qua mạng xã hội (sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Twitter, tiktok… để tạo và chia sẻ nội dung, truyền tải thông điệp, tương tác với người khác); Podcasting (tạo và phát sóng các chương trình podcast trực tuyến về các chủ chủ đề để kết nối với một lượng lớn người nghe qua các nền tảng như Podcast Addict, Spotify, Google Podcast…); Truyền hình công nghệ thông qua mạng Internet; các ứng dụng di động…

Thực tế cho thấy, với các phương thức truyền thông hiện đại, thông tin dễ dàng được truyền đi, chia sẻ và lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội. Điều này tạo ra cơ hội để tiếp cận và tương tác với một lượng lớn người dân không chỉ ở trong nước mà ở mọi nơi trên thế giới một cách nhanh chóng và hiệu quả mà không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. Các nền tảng trực tuyến giúp người làm công tác truyền thông dễ dàng hơn khi thu thập và phân tích dữ liệu. Từ đó có thể hiểu rõ hơn về mối quan tâm, thái độ, nhu cầu cũng như hành vi của công chúng. Từ đó tối ưu hóa được chiến dịch truyền thông cũng như thông điệp cần chia sẻ.
Chuyển đổi số trong công tác thông tin đối ngoại mà nền tảng là sử dụng Internet còn cho phép chúng ta tiếp cận toàn cầu với chi phí thấp, tần suất truyền thông có thể tiến hành một cách thường xuyên, liên tục; có thể tương tác, phản hồi dễ dàng với đối tượng truyền thông trong thời gian thực. Ngoài ra nó còn cho phép kết nối và hợp tác với đối tác quốc tế một cách dễ dàng. Đó là những điều kiện thuận lợi hỗ trợ công tác thông tin đối ngoại ngày càng phát triển.

Bên cạnh những cơ hội, chuyển đổi số trong lĩnh vực thông tin đối ngoại cũng đặt ra nhiều thách thức cần giải quyết. Trong công tác thông tin đối ngoại, nhân lực làm công tác thông tin đối ngoại có vai trò hết sức quan trọng. Chuyển đổi số yêu cầu đội ngũ này phải nâng cao năng lực, trình độ truyền thông trên các nền tảng trực tuyến; nâng cao khả năng thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu; sáng tạo hơn trong việc tạo ra các hình thức, nội dung truyền thông. Sự chia sẻ, tiếp cận thông tin một cách thuận lợi nhưng cũng mang lại những nguy cơ tiềm ẩn về thông tin giả mạo, xuyên tạc, không chính xác; những phản hồi tiêu cực, chủ quan, thiếu căn cứ, thiếu tính xây dựng... Điều này đặt ra những thách thức trong việc kiểm soát thông tin. Đi cùng với nó, với tốc độ cung cấp, chia sẻ thông tin nhanh trên môi trường mạng, khả năng xử lý khủng hoảng truyền thông cũng hết sức quan trọng. Người làm công tác thông tin đối ngoại cần phải có phương án cũng như kinh nghiệm để đối phó với khủng hoảng truyền thông. Tuy Internet cho phép tiếp cận toàn cầu với chi phí thấp, nhưng trong thời đại chuyển đổi số đòi hỏi các cơ quan, tổ chức phải đầu tư vào thiết bị, công nghệ, bảo mật. Điều này cũng tạo ra các thách thức về tài chính và kỹ thuật.
Chuyển đổi số đang là xu thế trong mọi lĩnh vực và thông tin đối ngoại cũng không nằm ngoài vòng quay đó. Công tác thông tin đối ngoại ở Việt Nam trong thời gian qua đã và đang trải qua nhiều sự biến đổi đáng kể. Với một loạt cơ hội đang chờ đợi để được tận dụng cũng như những thách thức phải đối mặt, chúng ta cần nhận diện được để từ đó giúp hoạt động thông tin đối ngoại ngày càng phát triển và mang lại hiệu quả cao nhất. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; phát huy vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về Chuyển đổi số. Chú trọng công tác tuyên truyền, quán triệt, học tập, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức rõ tính cấp thiết, lợi ích của Chuyển đổi số để chủ động tham gia, hưởng ứng. Chủ động, tiên phong, gương mẫu đi đầu, sáng tạo trong triển khai các giải pháp Chuyển đổi số gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, cơ quan, đơn vị.