Cần Giờ: sơ kết công tác phối hợp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững

Ngày 19/7, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tổ chức Hội nghị sơ kết phối hợp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Cần Giờ 6 tháng đầu năm 2024 nhằm đánh giá công tác phối hợp giữa 02 đơn vị trong triển khai thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2023; từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và triển khai thực hiện có hiệu quả đến cuối giai đoạn năm 2025.

Tham dự hội nghi có Bà Võ Thị Kim Thắm – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện; Ông Trần Văn Lợi - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, cùng đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, thị trấn, cán bộ chuyên trách Giảm nghèo bền vững các xã, thị trấn…

Ông Đinh Văn Thắng - Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện báo cáo với Hội nghị

 Hội nghị được nghe ông Đinh Văn Thắng - Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2023 và công tác phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện trong triển khai thực hiện Chương trình.

Quang cảnh Hội nghị

          Giai đoạn 2021 – 2023, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tăng cường thực hiện các giải pháp tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương, chính sách và các nội dung hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện cho các ngành, các cấp và Nhân dân, nhất là người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo biết và cùng tham gia thực hiện. Có nhiều nổ lực tham gia vào công tác vận động, chăm lo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn, phát huy Quỹ “Vì người nghèo” vận động các đơn vị, cá nhân, mạnh thường quân trong và ngoài huyện hỗ trợ chăm lo cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo với nhiều hình thức như: vay vốn ưu đãi, bảo hiểm y tế, sửa chữa, xây dựng nhà ở, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, học bổng, hỗ trợ giáo dục, phương tiện sinh kế, trợ cấp khó khăn.. Giới thiệu, triển khai đến các ngành, đoàn thể xã, thị trấn tham khảo, học tập áp dụng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo phù hợp với từng địa phương như: mô hình kết hạt cườm, may giày, may gia công, làm muối trải bạt, du lịch cộng đồng, nuôi hàu, nuôi tôm, cua, nhặt lông yến, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động trên địa bàn. Công tác giám sát thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững được tổ chức định kỳ hàng năm, kịp thời khắc phục nhừng hạn chế, thiếu sót tại địa phương, cơ sở. Công tác tập huấn cán bộ làm công tác giảm nghèo bền vững được quan tâm góp phần nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác giảm nghèo bền vững các cấp và lực lượng tổ trưởng tổ tự quản giảm nghèo bền vững; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình. Hội nghị nhìn nhận qua quá trình triển khai thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện ngoài những thuận lợi thì còn gặp một số khó khăn do là huyện có tỷ lệ người nghèo nhiều nhất so với các quận, huyện trên địa bàn Thành phố. Công tác giảm nghèo, xóa chiều thiếu hụt xã hội cơ bản của hộ nghèo, cận nghèo cần nhiều sự hỗ trợ từ nội lực và cả ngoại lực mới hoàn thành vượt chỉ tiêu nhiệm vụ.

Hội nghị đã ghi nhận 21 ý kiến phát biểu từ 9 đại biểu tham gia thảo luận, cho ý kiến góp ý, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Cần Giờ giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, đồng chủ trì hội nghị, bà Võ Thị Kim Thắm và ông Trần Văn Lợi đã tiếp thu và khẳng định nhiệm vụ giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Trong đó cần tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, điều hành quản lý chương trình. Hoàn thành việc ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành thuộc thẩm quyền theo quy định. Kịp thời ban hành các kế hoạch thực hiện chương trình, các dự án, tiểu dự án thành phần theo hướng dẫn. Bố trí nguồn lực từ ngân sách của địa phương để ứng phó và chủ động huy động thêm các nguồn lực khác để tổ chức thực hiện chương trình. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư từ chương trình. Cần chủ động hướng dẫn các xã, thị trấn giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện trong thời gian tới đạt được hiệu quả cao hơn nữa.