Bước phát triển vượt bậc báo chí thành phố
Tại Sài Gòn, là nơi đầu tiên ra đời tờ báo bằng chữ Quốc ngữ - Gia Định báo, ra ngày 15-4-1861. Sau ngày Thành phố vừa giải phóng, đội ngũ báo chí tại Sài Gòn mới có 5 cơ quan báo chí chủ yếu như: Sài gòn Giải phóng, Tuổi Trẻ, Đài Phát thanh Thành phố (tên lúc đó, nay là VOH), Đài Truyền hình Thành phố (HTV) cơ quan TTXVN (thường trú tại TP.Hồ Chí Minh).
Khi đi vào thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng sau Đại hội VI, kinh tế thị trường là một thực tế sống động, là môi trường phong phú, đa dạng và đã tạo ra chất xúc tác giàu chất liệu cho sự mở rộng hoạt động của báo chí tại TP. Quá trình đổi mới, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường tác động, đã thúc đẩy báo chí không ngừng phát triển, vươn lên mạnh trong 47 năm qua.
Năm 1986 khi đi vào thực hiện công cuộc đổi mới, TP có 10 tờ báo với số lượng phát hành khá lớn và duy nhất có báo Sài gòn Giải phóng là nhật báo. Hiện nay Thành phố sau khi sắp xếp, kiện toàn còn 22 đơn vị báo chí (so với 28 đơn vị năm 2000), trong đó 6 cơ quan nhật báo - gồm Đài phát thanh (VOH), Đài truyền hình TP (HTV), Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Pháp Luật TP, Người Lao Động…nhiều tạp chí và 2 Nhà Xuất bản Thành phố quản lý. Bên cạnh đó, nhiều báo, tạp chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cho lập trang Online riêng, như: Sài gòn Giải phóng Online, Tuổi Trẻ Online, VOH, Đài Truyền hình Thành phố; Báo Giáo dục thành phố online; Cựu Chiến binh thành phố, Thời báo Kinh tế Sài gòn, Sài gòn Times, Người Lao Động, Pháp Luật, Phụ Nữ, Chuyên đề của Công An TP, Khăn quàng đỏ; Mực Tím…
Trên những định hướng phát triển nhanh của báo chí cả nước và TP, đầu những năm 2.000 tại TP đã có sự bùng phát tăng trưởng thông tin báo chí, bùng phát về chất lượng thông tin nhanh nhạy, đáp ứng số lượng phát hành, nâng chỉ số thu nhận hưởng thụ thông tin của nhân dân cao hơn nhiều lần so với trước. Đây vừa là nhu cầu đòi hỏi, vừa là yêu cầu nâng cao chất lượng, nội dung thông tin, đáp ứng đòi hỏi của người xem, người nghe, người đọc. Đặc biệt tại TP, nơi duy nhất cả nước Đảng bộ TP là cơ quan chủ quản nhật báo tiếng Hoa - Phụ bản Sài gòn Giải phóng, có đủ thông tin nhanh nhạy cho nhu cầu của gần nữa triệu người Hoa cư trú tại các quận, huyện.
Đi đôi với quá trình phát triển nhanh, 2 Trang Điện tử của Đảng bộ thành phố và UBND Thành phố luôn cập nhật nhanh, chính xác, kịp thời nhất các chủ trương, chính sách của Đảng bộ; UBND Thành phố cho nhân dân biết, thực hiện. Từ ngày 14/6/2015 Trang thông tin Điện tử Thành phố đã kết nối chính thức vào Cổng thông tin Điện tử Chính phủ, trở thành một kênh thông tin chính thức phát ra rộng rãi trong nước, quốc tế.
Đài Truyền hình TP (HTV) và Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố (VOH) nhiều năm qua có sự phát triển vượt bậc cả về chương trình, tiết mục, thời lượng phát sóng, chất lượng phát và phủ sóng, không ngừng nâng chất lượng nội dung đáp ứng yêu cầu thông tin nhanh nhạy, giải trí đa dạng người xem. Riêng Đài Truyền hình (HTV) hiện đã phát sóng qua vệ tinh trên cả nước và ra các nước trong vùng, sang cả Mỹ, Australia, Pháp, Đức, Nhật... nơi có đông người Việt định cư. Với Đài VOH, tất cả các hệ sóng ngắn, sóng trung phục vụ người dân trên địa bàn TP và lan rộng ra cả vùng Nam bộ với 24/24 giờ phát hàng ngày. Từ năm 2010, Đài đã được UBND TP đầu tư kinh phí, con người, nâng cấp hiện đạo thiết bị phát hệ sóng ngắn về kênh thông tin giao thông đô thị 24/24 giờ hàng ngày, nhằm phục vụ trực tiếp cho nhu cầu của nhân dân, nhất là vào giờ cao điểm ùn tắc giao thong, rất được các bác lái xe, điều khiển phương tiện giao thong chú ý.

Báo chí - cầu gắn liền giữa Đảng bộ, chính quyền Thành phố với người dân
Hiện này, trong 22 đơn vị báo chí của Thành phố sau khi kiện toàn, sắp xếp, đang có gần 1.600 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam (được cấp thẻ), chiếm gần 1/10 số các nhà báo toàn quốc. Bên cạnh đó, một lực lượng đông đảo các nhà báo trẻ, được đào tạo bài bản nghiệp vụ báo chí (ngoài số đã có thẻ trên) từ Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố, Trường Đại học Sư phạm (Khoa Ngữ văn), Trường Đại học Văn hiến (Khoa Truyền thông), Khoa báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền… để đào tạo nên một đội ngũ báo chí hùng hậu cho địa bàn có lực lượng báo chí đông nhất nhì cả nước. Trong nhiều năm qua báo chí đã làm tốt những nhiệm vụ chính trị quan trọng, đó là:
Một là, từ lực lượng hùng hậu này, 47 năm qua, có nhiều kênh không thể thiếu là các nhà báo tạo ra sự nắm bắt nhanh nhạy nhất về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân đến sớm nhất. Và cũng từ đó, tạo ra sự phản hồi của nhân dân đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là những vấn đề sát sườn với cuộc sống của nhân dân, Chính điều này là sự phản biện có lợi ích nhất, hữu hiệu nhất, lan tỏa nhất, mà báo chí là tiếng nói đã tạo ra lòng tin giữa nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chính quyền từng địa phương.
Hai là; báo chí đã cũng cố niềm tin cho nhân dân, từ những chủ trương, chính sách, hay các tấm gương sáng thật sự của đời thường…. Nhân dân TP.Hồ Chí Minh có tính đặc thù là sáng sớm, dù người làm nghề bình thường nhất, như nghề “xe ôm”, mua bán tạp hóa… đầu mỗi sáng phải tìm mua cho được một, hai tờ báo. Và từ trong những thông tin báo chí mà sự kết gắn người dân, tạo niềm tin cho nhân dân vào các vấn đề sát sườn hàng ngày, làm cho các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tuyên truyền, đi vào nhân dân, cũng cố lòng tin trong nhân dân.
Thứ ba,tác dụng nhân bản cao trong hoạt động báo chí Thành phố, là các cuộc vận động giúp người nghèo, giúp các cá nhân, tập thể trong những thiên tai, hạn hán, những mảnh đời cô đơn, cơ nhỡ, bệnh tật hiểm nghèo… Đây vừa là một thế mạnh, vừa là một đặc thù của các cơ quan báo chí TP.Hồ Chí Minh. Đến nay, mỗi cuộc vận động “Vì người nghèo”, “Giảm hộ nghèo - tăng hộ khá”, “Nhà tình nghĩa” “Nhà tình thương” “Mái ấm cho người nghèo”, Giúp các em cơ nhỡ, bỏ học… rất nhiều phong trào tình nghĩa mà Ủy ban MTTQ Thành phố và các Đoàn thể chính trị - xã hội phát động, thì lực lượng tham gia nhanh nhất là báo chí. Tại Đài VOH, Đài HTV hàng tuần với Chương trình “Ngôi nhà mơ ước”, qua sự vận động của 2 Đài, nhiều mạnh thường quân đã trực tiếp cùng góp sức hàng tram triệu đồng/ lần để giúp cho các hộ nghèo có thêm căn nhà mơ ước, đáp ứng lòng mong mõi của người nghèo. Hay như các báo: Sài Gòn Giải phóng, Tuổi Trẻ, Công an TP, Phụ nữ TP, Người Lao động, Pháp Luật Tp…,đều có những chương trình trực tiếp vận động và giúp cho bà con nghèo nhiều tỉnh, thành; giúp học sinh, sinh viên nghèo tại TPHCM và các tỉnh trong toàn quốc.
Thứ tư, báo chí đã “gạn đục, khơi trong” là lực lượng biểu dương những mô hình tốt, những kinh nghiệm hay, rất có ích trong cuộc sống đời thường; đồng thời, báo chí cũng là phương tiện đấu tranh mạnh mẽ, nhanh nhạy nhất, là kênh có hiệu quả cao trong đấu tranh chống tham những, tiêu cực...là một binh chủng từ lâu đã làm nên những yếu tố “gạn đục, khơi trong” trong cuộc sống đời thường, góp sức mình trong cuộc vận động xây dựng Đảng, cùng Đảng bộ Thành phố và các địa phương ngày càng làm tốt hơn về tiêu chí “gạn đục, khơi trong” qua báo chí.
Thứ năm, báo chí đã luôn đi đầu trong vấn đề đấu tranh vì chủ quyền thiêng liêng trong vấn đề lãnh thổ của Tổ quốc, đi đôi đấu tranh không khoan nhượng trước những âm mưu và ý đồ đen tối của các thế lực thù địch chống phá đất nước ta; báo chí đã làm cho nhân dân luôn đề cao cảnh giác, đồng thời là tiếng nói hưởng ứng có tác dụng cao nhất trong sự nghiệp chung tay toàn dân để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của nước nhà.
Qua gần 50 năm sau ngày Thành phố và miền Nam giải phóng, Sài Gòn - Gia Định và TP.Hồ Chí Minh luôn là địa bàn trọng điểm của công cuộc đổi mới, đồng thời là địa bàn có đông đảo lực lượng báo chí hoạt động hùng hậu nhất và cũng là nơi mà Đảng bộ Thành phố luôn tạo điều kiện cho sự phát triển của báo chí. Báo chí Thành phố đã và đang là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân, là niềm tin vững chắc nhất vì sự nghiệp cao cả của chính mình./.