Hồ Chí Minh- Nhà báo lớn và những lời dạy thiêng liêng của Người về viết báo, làm báo

Vừa hoạt động nhiều mặt về chính trị vừa chú trọng làm báo

Từ năm 1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Pháp đến Liên Xô, tham dự nhiều hội nghị quốc tế quan trọng như Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế nông dân (1923), Đại hội Quốc tế  Công hội đỏ (1924), Đại hội lần thứ 5 Quốc tế Cộng sản (1924), Đại hội lần thứ 4 Quốc tế Thanh niên (1924)…Là người Việt Nam đầu tiên vào học Đại học Phương Đông, tạo điều kiên cho Người đưa vào các bài viết về nông dân quốc tế và các phong trào nông dân trên các tờ báo cánh tả ở nhiều nước Phương Đông bấy giờ.

Với những hoạt động mạnh mẽ, sôi nổi, bày tỏ chính kiến thiết thực qua các hội nghị và qua báo chí do chính Người viết cho phong trào giải phóng thuộc địa, tiếng nói của Người có ảnh hưởng ngày càng cao ở Quốc tế Cộng sản. Tháng 4-1924, Nguyễn Ái Quốc có quyết định của Ban phương Đông Quốc tế Cộng sản do đồng chí Pêtơrốp ký nhận vào làm cán bộ ngoài biên chế của Ban với mức lương tháng là 6 trécnôvéc (tương đương 60 rúp). Sau đó, Người tổ chức cho 75 thanh niên Việt Nam học ở Trường tuyên truyền tổ chức ở Quảng Châu,  đồng thời xuất bản 3 tờ tuần báo nhỏ, để những người tuyên truyền vừa mới đào tạo về Xiêm, Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Nam Kỳ, tham gia viết bài về nhiều nội dung.

Nhớ về những năm tháng ấy, tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam ngày 16-4-1959, Bác Hồ “bật mí” với các nhà báo: Người đã ngoại giao trước để được đăng hai kỳ liền quảng cáo miễn phí về việc phóng ảnh trên tờ “Đời sống thợ thuyền” trong những số từ đầu tháng 4 đến tháng 5-1923.

Bài báo đăng tháng 5-1923, Người viết: Lúc đó mình sống ở khu phố công nhân nghèo, hiểu rõ đời sống của họ, mình cứ viết những điều mắt thấy tai nghe. Viết xong đưa đến báo “Nhân đạo” và nói với đồng chí phụ trách về văn nghệ: “Đây là lần đầu tiên tôi thử viết truyện ngắn, nhờ đồng chí xem và sửa lại cho”. Đồng chí ấy xem xong rồi bảo: “Được lắm, chỉ cần sửa lại một vài chỗ thôi”. Cách mấy hôm sau, thấy truyện của mình được đăng báo thì sướng lắm. Sướng hơn nữa là được trả cho 50 Franc tiền viết bài. Chà! Lần đầu tiên được trả tiền viết báo. Với 50 Franc đó mình có thể sống 25 ngày không phải đi làm, tha hồ tham gia mít tinh, tha hồ viết báo”. Sau khi không còn ở Pháp, Người tiếp tục viết và gửi bài cho nhiều tờ báo, trong đó chủ thể là tờ “Người cùng khổ” mà chính Người sáng lập ra, nhiều năm các bài viết Người không hề nhận nhuận bút.

Nguyễn Ái Quốc đã phải vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, trước hết là về trụ sở, về tài chính và về các mối liên lạc. Nhiều khi Người phải tự xoay xở, làm thêm cho Tạp chí Robinhit, Hãng Thông tấn Rosta và dịch thuật… nhằm để giúp đỡ một phần tài chính nhiệm vụ do Quốc tế Cộng sản giao. 

Tháng 4-1927, cánh hữu của Quốc Dân Đảng do Tưởng Giới Thạch chỉ huy làm đảo chính phản cánh mạng, tình hình lúc này rất khó khăn. Nguyễn Ái Quốc quay trở về Liên Xô, sau đó, Nguyễn Ái Quốc được Quốc tế Cộng sản đồng ý cho về Đông Dương. Người đến Thái Lan với mong mỏi về gần Tổ quốc. Năm 1928, Người đến vùng UDon Tha ni, Xa Vang,Na Khôn Pha Nôm, Noọng Khai…xây dựng cơ sở, từ đó tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào đấu tranh CM, gây ảnh hưởng về trong nước. Tại Thái Lan, Người thành lập báo Thân ái, Đồng Thanh và bắt tay viết cuốn sách mang tên “Công tác quân sự của Đảng trong nông dân”. Theo tài liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh, cuốn sách này được chọn làm tài liệu giảng dạy Trường Quân sự những người Cộng sản Đức ở Moscow năm 1927.

    Tác dụng báo chí cách mạng và lời khuyên của Người

Sinh thời, khi Người sáng lập tờ báo Thanh Niên (phát hành đầu tiên 21-6-1925), rồi trở thành nhà báo viết hàng ngàn bài báo với nhiều bút danh, nhằm lấy báo chí làm công cụ có tác dụng tuyên truyền cho tư tưởng Cộng sản lúc nước nhà chưa độc lập. Khi sang Pháp hoạt động, ngày 01-4-1922, tại Pháp, Người sáng lập tờ Le Paria (Người Cùng Khổ). Về Trung Quốc, Người ra tờ Thanh niên… Năm 1943, sau 2 năm về nước cho ra tờ Việt Nam Độc lập. Tháng 9-1945 chỉ 5 ngày sau khai sinh ra nước Việt Nam độc lập, Bác cùng Trung ương, Chính phủ chỉ đạo thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi Thông tấn xã Việt Nam, những cơ quan báo chí hàng đầu của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Đồng thời Người chỉ đạo tổ chức lớp viết báo ngay trong chiến khu Việc Bắc, năm 1949 khi chiến tranh còn rất ác liệt. Tại lớp viết báo này, Bác Hồ và Trung ương đã quan tâm sâu sắc đến những người học về viết báo, mà chính các đồng chí Trung ương Đảng và Bác Hồ đã bắt tay tổ chức, giảng bài, sắp xếp nội dung bài giảng. Lớp viết báo này mang tên “Lớp đào tạo cán bộ viết báo Huỳnh Thúc Kháng”, mặc dù lúc đó cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp còn rất ác liệt, lớp học viết báo được mở ngay trong chiến khu, mang tên lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng - tên một nhà báo, một chí sĩ cách mạng nổi tiếng. Lớp học khai giảng ngày 04-4-1949 gồm 42 học viên đến từ nhiều báo của Trung ương, quân đội, các ngành đoàn thể liên khu, các ngành thông tin của các tỉnh về dự tại Việt Bắc, do nhà báo Trung Kiên, sau này là Phó Tổng biên tập Báo Nhân dân - làm lớp trưởng.

  Tham gia giảng dạy tại lớp học có 29 giảng viên, trong đó có: Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Chủ nhiệm báo Độc Lập (sau được bổ nhiệm Giám đốc trường Huỳnh Thúc Kháng); nhà báo Xuân Thủy, Ủy viên Thường trực Tổng bộ Việt Minh, Chủ nhiệm báo Cứu Quốc, cùng các nhà báo, nhà thơ nổi tiếng, như: Quang Đạm, Lê Quang Đạo, Võ Nguyên Giáp, Từ Giấy, Nguyễn Văn Hải, Vũ Đình Hòe, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, Nguyễn Đình Thi, Trần Đình Thọ, Xuân Trường, Như Phong, Đồ Phồn, Tú Mỡ… Đặc biệt lớp học này có Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp giảng về chuyên đề “Viết xã luận”; cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trực tiếp giảng bài về cách viết báo và làm báo của cụ Huỳnh Thúc Kháng, để cho học viên của lớp báo đầu tiên thấm hiểu cách làm báo.

     Với các bài thực hành, Ban tổ chức lớp tổ chức cho học viên thực tế, để viết các thể loại văn học, phóng sự, điều tra, phỏng vấn… sau đó mỗi tổ học tập trong lớp viết báo, tự lập ra tờ báo của tổ mình, để Ban tổ chức lớp kiểm tra trình độ viết, cách trình bày từng người lớp và từng tổ ngay lớp học.  

      Bác Hồ thực sự quan tâm lớp viết báo này và những học viên là người viết báo trong chiến khu Việt Bắc của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong 2 thư gửi lớp học, Bác đề ra yêu cầu báo chí là phải xác định nhiệm vụ, mục đích, tôn chỉ, đối tượng và hình thức. Người khẳng định: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng, một tờ báo mà không được đại đa số quần chúng ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo Lời khuyên của Người tuy rất ngắn, gọn, dễ hiểu, nhưng lời dạy đó lại mang tính lý luận kinh điển của báo chí hiện đại, sát đúng với tình hình cách mạng đất nước vừa mới giành độc lập, đang đi vào kháng chiến. Trong thư Bác khẳng định: “Nhiệm vụ của báo là tuyên truyền cổ động, huấn luyện giáo dục và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công thì tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc”. Theo Người, “đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Muốn được dân chúng ham chuộng coi tờ báo ấy là của mình thì hình thức cách sắp đặt bài vở, cách in phải sáng sủa”.

    Lớp học chỉ mở 3 tháng, thời gian tuy ngắn, nhưng Bác Hồ 2 lần trực tiếp viết thư, động viên cán bộ giảng bài và học viên dự lớp. Tại thư gửi khai giảng lớp, Bác nói 6 điều các nhà báo cần nhớ (nay vẫn y nguyên giá trị với báo chí), đó là: 1. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung. 2. Mục đích là kháng chiến kiến quốc, để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thì: 3. Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc. Vì vậy: 4. Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng, một tờ báo không được đại đa số dân chúng yêu chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là của mình, thì: 5. Nội dung các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát. Và: 6. Hình thức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa”.

     Bác căn dặn, muốn viết được bài báo cần phải có: 1. Gần gụi với dân chúng, cứ ngồi phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người. 3. Khi viết xong phải tự mình xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào chữ nào không hiểu, thì sửa lại cho dễ hiểu. 4. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ..”. (thư Bác Hồ gửi lớp học Huỳnh Thúc Kháng)

     Đã 99 năm đi qua, nhân Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, nhắc lại những lời dạy ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa sâu xa của Người gửi lớp viết báo đầu tiên năm 1949, còn nguyên giá trị với báo chí cách mạng và các nhà báo, những người cầm bút hôm nay./.