TP.Hồ Chí Minh: Lấy ý kiến về thuận lợi, khó khăn khi thực hiện việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp

Ngày 20/6, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc lắng nghe, ghi nhận những thuận lợi, khó khăn trong triển khai thực hiện việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp trên địa bàn Thành phố. Bà Nguyễn Thị Kim Thuý, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị

Tại hội nghị, ông Trần Hữu Nghĩa, Phó Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố báo cáo tót tắt kết quả khảo sát tình hình triển khai thực hiện việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh: Theo Nghị quyết 11 của HĐND TP.Hồ Chí Minh, việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố trên địa bàn Thành phố, trong tháng 4/2024 UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức triển khai xây dựng phương án tổng thể sắp xếp khu phố, ấp.

Sau khi hoàn thiện việc sắp xếp, địa bàn TP.Hồ Chí Minh hiện nay có 4.861 khu phố, ấp thành lập mới. Trong đó, từ 27.377 khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân, giảm 20.516 tổ chức, tinh giảm nhân sự còn 43.749 người, giảm 20.544 người. Giảm quy mô số hộ gia đình của khu phố, ấp cũ xuống còn 500 hộ đối với phường, thị trấn và 350 hộ đối với xã.

HĐND Thành phố cũng đã ban hành nghị quyết liên quan đến người tham gia hoạt động khu phố, ấp. Mức khoán quỹ phụ cấp, phụ cấp của các chức danh khu phố, ấp căn cứ theo quy mô số hộ dân, đồng thời nghị quyết cũng điều chỉnh về số lượng, mức hỗ trợ hàng tháng không quá số lượng 4 người đối với khu phố, ấp, mức hỗ trợ bằng 0,3 lần mức lương cơ sở.

Qua khảo sát trực tiếp và báo cáo từ các quận, huyện, TP.Thủ Đức, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố ghi nhận một số thuận lợi cũng như khó khăn trong việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp như sau:

Về thuận lợi: Các thành viên của Khu phố, ấp mới đều là những người nhiệt tình, có trách nhiệm nên công tác vận hành khu phố mới được thuận lợi, sự hướng dẫn, chỉ đạo của Cấp ủy và các ngành dọc cấp trên đã hỗ trợ chuyên môn cho công tác điều hành hoạt động của khu phố. Trưởng khu phố, ấp trực tiếp nắm bắt tình hình của người dân và lắng nghe, giải quyết các khó khăn vướng mắc của người dân không phải thông qua khâu trung gian (tổ dân phố, tổ nhân dân) như trước đây. Các khu phố, ấp chủ động xây dựng các group zalo, mạng xã hội để thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách đến với người dân. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên là những người là tổ trưởng Tổ dân phố trước đây tham gia công tác vận động.

Về khó khăn: Đa số các khu phố, ấp không có văn phòng khu phố, ấp, chưa được bố trí điểm sinh hoạt tập trung hoặc có điểm sinh hoạt nhưng quy mô chưa đảm bảo có thể tổ chức họp dân, chi bộ; còn thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động của khu phố, ấp. Đa số cổng chào khu phố, ấp chưa thay đổi theo tên khu phố, ấp mới sau khi thực hiện việc thành lập, chia tách, sáp nhập. Hiện nay, vẫn chưa hoàn thiện Quy chế quy định vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Trưởng Khu phố, ấp; chưa hoàn thiện Quy chế phối hợp hoạt động giữa các thành viên, tổ chức trong khu phố, ấp.

Các chức danh chính tại một số khu phố, ấp vẫn đang kiêm nhiệm các chức danh còn lại của khu phố, ấp như Hội Người cao tuổi, Hội Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ mà chưa kiện toàn được. Do đó, khối lượng công việc xử lý rất nhiều. Do nhân sự khu dân ít, khó vận động người tham gia nên một số thành viên khu phố thực hiện công tác kiêm nhiệm, trong đó có người kiêm nhiệm nhiều chức danh hoặc kiêm nhiệm nhiều công tác khác nhau do cấp ủy phân công thực hiện.

Trưởng khu phố, ấp là người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại khu phố, ấp nên việc thực hiện công tác tuyên truyền vận động sẽ có nhiều hạn chế đặc biệt là công tác vận động đóng góp, ủng hộ các nguồn quỹ, không có cơ chế phân công thủ quỹ, kế toán nên việc thu chi, thu nộp tiền gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo quy tắc tài chính. Ngoài ra, một số khu dân cư có số hộ dân đông (trên 700, 800 hộ dân) nên áp lực công việc càng lớn.

Hiện nay, một số khu phố mới thành lập là khu phố tại các chung cư hay một số khu phố là nữa khu dân cư, nữa chung cư gặp khó khăn trong việc tiếp cận người dân để tuyên truyền vận động vì công tác phối hợp giữa khu phố và Ban quản trị chung cư chưa thống nhất trong xử lý các vấn đề có liên quan đời sống của hộ dân trong khu vực.

Một số khu phố các thành viên mới nhận nhiệm vụ nên chưa nắm rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể, một số đoàn thể nguồn nhân sự còn thiếu, lực lượng mỏng, chưa có kỹ năng, nghiệp vụ nên còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, hoạt động tại khu phố. Một số thành viên chưa nắm hết địa bàn phát sinh, công tác tuyên truyền, giới thiệu thông tin cá nhân đến người dân chưa kịp thời, dẫn đến khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động thu các nguồn quỹ. Một số nơi phải huy động các Tổ trưởng Tổ dân phố đã thôi tham gia để hỗ trợ.

Về kinh phí hỗ trợ: Một số khu phố, ấp chưa được bố trí kinh phí hoạt động, các thành viên chưa nhận được phụ cấp hàng tháng theo quy định; có khu phố, ấp mới nhận kinh phí hoạt động tháng 4/2024 nhưng cũng có khu phố, ấp nhận đến tháng 6/2024. Tại một số địa phương, kinh phí cho hoạt động của khu phố thực nhận chỉ có 3.150.000 đồng/khu phố/tháng so với mức theo quy định tại Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐND là 3.500.000 đồng/khu phố/tháng vì áp dụng việc giữ lại 10% để thực hiện cải cách tiền lương theo Thông tư số 51/2023/TT-BTC ngày 17/7/2023 của Bộ Tài chính.

Kinh phí phụ cấp hỗ trợ vẫn chưa thật sự hợp lý để thu hút nhân sự tham gia vào ban điều hành của khu phố, chức danh có phụ cấp phải san sẻ kinh phí cho những chức danh không có phụ cấp để cùng hoạt động chung cho khu phố, như vậy mức kinh phí hỗ trợ chưa thật sự tương xứng với chất lượng hoạt động của đội ngũ phụ trách tại khu phố.

Ông Bùi Thế Hùng (Bí thư Khu phố 25, Phường 15, quận Tân Bình)

Tham gia ý kiến tại hội nghị, ông Bùi Thế Hùng (Bí thư Khu phố 25, Phường 15, quận Tân Bình), cho biết: Hiện tại chưa hoàn thiện quy chế quy định nhiệm vụ của Trưởng Khu phố; chưa phối hợp các hoạt động giữa các thành viên trong khu phố. Các chức danh chính vẫn đang kiêm nhiệm các chức danh còn lại như Hội NCT, Hội Khuyến học, Hội CTĐ mà chưa tìm người được nên công việc phải xử lý nhiều. Về nhân sự không giảm, ngày xưa 1 khu phố có 9 chức danh, khi tách ra dù chỉ còn 4 chức danh nhưng số khu phố tăng thêm buộc nhân sự tăng theo. Việc triển khai các chức danh dưới khu phố rất vất vả, tích cực vận động nhân sự tham gia nhưng không ai muốn làm…

Còn ông Nguyễn Văn Dũng (Bí thư Khu phố căn hộ chung cư cao cấp Phường 22, quận Bình Thạnh) có ý kiến, việc thay đổi, chia tách làm đảo lộn nhân sự, số chức danh tăng lên nhưng chưa tìm được nhân sự. Do đặc thù của căn hộ chưng cư cao cấp rất khó tìm kiếm nhân sự, chưa kể khi ra vào toà nhà phải có thẻ từ và được cho phép của bảo vệ. Dân cư sinh sống có thói quen khi vào nhà họ đều đóng cửa, rất khó tiếp xúc để tuyên truyền vận động. Đồng thời, công tác phối hợp giữa khu phố và Ban quản trị chung cư chưa thống nhất trong xử lý liên quan đời sống của cư dân.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng chia sẻ, sau khi sắp xếp Trưởng khu phố, Trưởng ấp là người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn mình quản lý (trước đó công việc này do tổ trưởng và trưởng khu phố làm), nên việc thực hiện công tác tuyên truyền vận động có nhiều hạn chế. Đặc biệt là công tác vận động đóng góp, ủng hộ các nguồn quỹ, không có cơ chế phân công thủ quỹ, thu nộp tiền gặp nhiều khó khăn.

Sau khi thực hiện việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đa số các khu phố, ấp không có văn phòng. Đồng thời chưa được bố trí điểm sinh hoạt, chưa có chỗ tổ chức họp dân, họp chi bộ, cơ sở vật chất chưa được trang bị. Một số khu phố, ấp chưa được bố trí kinh phí hoạt động, các thành viên chưa nhận được phụ cấp hàng tháng theo quy định. Nhiều khu phố đã 3 tháng mà chưa có kinh phí để hoạt động. Các chức danh cho nghỉ rất tâm tư, họ hoạt động lâu năm bây giờ cho nghỉ nhưng chưa được hưởng phụ cấp, tri ân...

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tiếp thu các ý kiến của đại biểu

Tiếp thu ý kiến, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, việc chuyển kinh phí sinh hoạt cho khu phố, ấp đang được triển khai. Tuy nhiên, không thể làm đồng loạt, Sở Nội vụ sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền thực hiện sớm. Bà Thắm cho biết thêm, sẽ kiến nghị UBND Thành phố sớm ban hành Quy chế hoạt động, từ đó làm căn cứ cho công tác phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ tại địa phương.

Sở Nộ vụ kiến nghị các sở, ngành có liên quan xây dựng các hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ cụ thể cho các chức danh ở khu phố, ấp để hoạt động hiệu quả. Kiến nghị đơn vị liên quan chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn rà soát các trụ sở hoạt động của khu phố, ấp để có định hướng hỗ trợ; quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, khu phố, ấp...