“Lời kêu gọi thi đua ái quốc”với nhiều nội dung thiết thực
Trong lời kêu gọi gửi toàn thể quân - dân cả nước, Bác Hồ nhấn mạnh: “Bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sỹ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau... Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, trai gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận, quân sự, kinh tế, chính trị , văn hoá”.
Mục đích của thi đua ái quốc được Bác viết theo tùng cột thơ ngắn gọn, dễ hiểu, mà theo Người, Mục đích thi đua ái quốc là: Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm.
Cách làm là: dựa vào: Lực lượng của dân;Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân.
Vì vậy, bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh: bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, Làm cho tốt, Làm cho nhiều.
Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá. Thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân kháng chiến, Toàn diện kháng chiến.
Trong cuộc thi đua ái quốc, chúng ta: Vừa kháng chiến, Vừa kiến quốc.
“Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn gốc xuất phát từ lợi ích của nhân dân, nhằm đem lại ấm no, hạnh phúc và độc lập tự do, đó là niềm khát vọng của mỗi công dân Việt Nam. Vì thế, Ngay từ những ngày đầu phát động, phong trào đã diễn ra sôi nổi, lan rộng khắp cả nước, với nhiều phong trào cụ thể: tăng gia sản xuất và tiết kiệm, giết giặc lập công, lập nên các cuộc xung phong lớn của Phụ nũ với “Ba đảm đang”, Đoàn viên Thanh niên với “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”… Thực sự dù trong hoàn cảnh thời chiến, phong trào thi đua ái quốc mà Người phát động, đã dần thấm sâu vào từng con người cụ thể, có sức sống và sức mạnh lan toả tạo ra động lực tinh thần, một khí thế cách mạng mới trong xã hội.
Kết quả mà theo Người mong đợi, sẽ là: “Để đi đến kết quả tốt đẹp đó, tôi xin:
Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc,
Các cháu nhi đồng học hành và giúp việc người lớn,
Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp,
Đồng bào công nông thi đua sản xuất
Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh,
Nhân viên Chính phủ thi đua tận tuỵ làm việc, phụng sự nhân dân,
Bộ đội và nhân dân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng”....
Như vậy, trong Lời kêu gọi thi đua, tuy Người nói rất nôm na, dễ hiểu, rất cụ thể, mà nhiều đối tượng đều thấy có mình trong đó, như: các cụ phụ lão, các cháu thiếu nhi, đồng bào công nông, đồng bào trí thức, nhân viên Chính phủ, bộ đội và nhân dân...
Với những kết quả trong nhiều năm đầu sau khi Lời kêu gọi ra đời năm 1948, nhờ đó đã đưa đất nước ta từng bước vượt qua những khó khăn gay gắt trước mắt, nạn đói, nạn dốt...,dần được đẩy lùi, bước đầu đảm bảo những điều kiện vật chất cần thiết phục vụ cho cuộc kháng chiến.

Những phong trào thi đua đầu tiên “Ba đảm đang”, “Ba sẵn sàng”...
Bác Hồ trong Lời kêu gọi đã nhấn mạnh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những yêu nước nhất”. Vì thế, Người mong muốn: “Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”.
“Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận cả dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi”.
Trong những ngày kháng chiến, với mục tiêu vừa chiến đấu trong “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong” những năm 1965 đế quốc Mỹ thực hiện “Chiến tranh Cục bộ” cả hai miền. Để đánh thắng Mỹ, chúng ta đã có rất nhiều phong trào thi đua yêu nước được phát động với mục tiêu “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” mỗi ngày thi đua “mỗi người làm việc bằng hai”. Đối với thanh niên có “Ba sẵn sàng”; phụ nữ có “Ba đảm đang”; công nhân có “Tay búa, tay súng”, nông dân có “Chắc tay súng, vững tay cày”; từ các địa phương đều có phong trào “ Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” v...v...
Còn tại các đô thị miền Nam lúc đó, theo Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến, Ủy viên BCH Hội Nhạc sĩ TP.HCM, thì phong trào tiếng “Hát cho đồng bào tôi nghe” từ năm 1965 - 1968 đã lan truyền cả 10 năm sau, đến tháng 4-1975, khi trở thành một trong những phong trào lớn của Đoàn thanh niên và tầng lớp trí thức, các thành viên Mặt trận Giải phóng miền Nam ở nội thành Sài Gòn và lan truyền ra tất cả các đô thị ở miền Nam.
Lần xem lại những trang sử của phong trào thanh niên Việt Nam, Phụ nữ Việt Nam, thì hiếm có một cuộc vận động nào có sức lôi cuốn mạnh mẽ, rộng khắp tù tuổi trẻ Hà Nội, Phụ nữ từ các tỉnh miền Bắc, Sài Gòn - Gia Định và các tỉnh miền Nam, mà phong trào này trở thành phong trào cả nước, cùng hướng về “Lời thi đua ái quốc” từ Bắc chí Nam. Nhìn lại 60 năm trước, khi phong trào “Ba sẵn sàng” được xuất phát từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 năm 1964. Lúc đó, đất nước phải đồng thời thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: vừa làm nhiệm vụ chiến đấu chống Mỹ - ngụy ở miền Nam, vừa tiến hành xây dựng CNXH ở miền Bắc, làm hậu phương lớn cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Hai nhiệm vụ chiến lược này thực hiện theo tư tưởng Hồ Chí Minh và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III - năm 1960; khi đó, trong phong trào thanh niên nói chung, đặc biệt thanh niên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sẵn sàng “đi bất cứ đâu”, “làm bất cứ việc gì” khi Tổ quốc cần.
Vào thời kỳ này, phong trào “Ba sẵn sàng” đã có 5 triệu bạn trẻ Đoàn, thanh niên từ các tỉnh, thành phố miền Bắc, thể hiện lý tưởng sống của thanh niên trong thời kỳ vô cùng sâu sắc, đẹp đẽ sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, khi Tổ cuốc cần tới với “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong”.
Còn với phong trào “Ba đảm đang” của Phụ nữ Việt Nam, trước bối cảnh đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ở miền Nam, mở rộng tập kích bằng không quân ra miền Bắc, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động phong trào “Ba đảm đang” cho phụ nữ. Ngày 23-3-1965, Chỉ thị số 3 của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ra đời, nêu rõ ba nội dung phong trào này là:
1. Ðảm đang sản xuất, công tác, thay thế nam giới đi chiến đấu;
2. Ðảm đang gia đình, khuyến khích chồng con đi chiến đấu;
3. Ðảm đang phục vụ chiến đấu khi cần thiết.
Phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” nhiều năm liền, đã đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến: bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của phụ nữ Việt Nam. Phụ nữ không ngừng rèn luyện vươn lên “Ba đảm đang”, phục vụ đắc lực cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước.
Phụ nữ Việt Nam rất tự hào qua thời kỳ “Ba đảm đang”, đã có 42 nữ anh hùng, 9 đơn vị nữ anh hùng được tôn vinh; có 1.718 chị em được thưởng huy hiệu Bác Hồ, trên 5.000 chị em là chiến sỹ thi đua toàn quốc, gần 4 triệu hội viên đạt danh hiệu phụ nữ “Ba đảm đang”. Phụ nữ Việt Nam qua nhiều năm liền rất xứng đáng lời khen tặng của Bác Hồ kính yêu: “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang chống Mỹ cứu nước”.
Trong cả nước vào cuộc kháng chiến chống Pháp và những năm đầu chống Mỹ, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước đưa nhiều phong trào thi đua đi sâu vào thực tiễn của đời sống và biến nó thành những hành động cụ thể, thiết thực. Điều này, bao năm qua khi nhiều phong trào của các giới, các đoàn thể, các địa phương mỗi ngày thi đua “mỗi người làm việc bằng hai”..., luôn luôn đi đầu, đứng mũi chịu sào, để tiền tuyến lớn trở thành bất khuất, kiên cường trong lao động, sản xuất và phục vụ chiến đấu cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Ngày nay, trong các phong trào thi đua của tuổi trẻ, phụ nữ, công nhân, công dân, trí thức... “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Bác vẫn luôn tỏa sáng, để mỗi công dân, mọi giới, mọi ngành nghề..., cùng vì “Thi đua là yêu nước - yêu nước thì phải thi đua”./.