Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh - sự lan tỏa trong quá khứ, hiện tại và tương lai

     Năm 1987, với Nghị quyết số 18C/4.351, Đại hội đồng UNESCO - Liên Hiệp quốc tại khóa họp lần thứ 24 đã tôn vinh Hồ Chí Minh là người “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”.

       Những vấn đề lý luận về không gian văn hóa Hồ Chí Minh

      Trước đó vào năm 1983, trong công trình “Văn hóa thế kỷ XX” - công trình có tính chất từ điển, các nhà khoa học Anh, Mỹ đã nhất trí tôn vinh Hồ Chí Minh là một danh nhân văn hóa thế giới của thế kỷ XX, như Nghị quyết 18C/4.351 của Đại hội đồng UNESCO Liên Hiệp quốc, đã tôn vinh.

    Trong thực tế, lý luận về “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, trên thế giới đã có sự thừa nhận rộng rãi đối với nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh, dựa trên những sự nghiệp văn hóa rất đồ sộ mà Người đã cống hiến cho dân tộc và nhân loại. Đó là, Người đã đấu tranh không mệt mỏi, để giành lại địa vị xứng đáng cho con người Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ, trong bối cảnh chung của thế giới.

   

Nhà văn hóa Hồ Chí Minh trong cuộc đời hoạt động đã mở đường cho thời đại mới, cùng một nền văn hóa mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, với những giá trị bền vững, tạo thành bản chất tốt đẹp của Việt Nam, thể hiện qua một số đặc trưng chủ yếu sau:

   - Lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất, “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”;

   - Tình đoàn kết, thương yêu đùm bọc, gắn kết cộng đồng, trọng nghĩa tình, đạo lý;

   - Tư duy hài hòa, luôn có tính mở, thực tế thích nghi với cái mới, không cực đoan;

   - Sự cần cù, sáng tạo trong lao động, thiết thực, giản dị trong lối sống;
   - Sự tế nhị, khoan dung trong mọi ứng xử trong nước hay quốc tế đã được giới trí thức thế giới công nhận. Ở đây, sự nghiệp văn hóa Hồ Chí Minh vô cùng phong phú; có nhiều yếu tố văn hóa về chính trị, văn hóa đạo đức, văn hóa khoan dung, văn hóa giao tiếp, ứng xử, văn hóa trong hoạt động văn học - nghệ thuật,…

     - Trên cơ sở đó, văn hóa Hồ Chí Minh còn là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn những giá trị văn hóa cổ truyền dân tộc với những yếu tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa nhân dân,…trở thành văn hóa tiên tiến, mang giá trị nhân văn sâu sắc.

      Nhận thức được giá trị, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng do những di sản Người để lại, Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh đang đi từ thực tiễn để thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã nhấn mạnh “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”[] và đề ra 6 nhiệm vụ “xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế”, chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng, trong cơ quan Nhà nước và các đoàn thể. Đây là sự quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa trong phát triển xã hội, mà đương thời Người từng nhấn mạnh: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”,kinh tế là nền tảng vật chất, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.

     Tính thực tiễn về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh

      Để xây dựng, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã xác định phương hướng phát triển về văn hóa là: “xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Phát huy đặc trưng văn hóa, tính cách con người Thành phố luôn năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình. Quy hoạch và phát triển  các cơ sở văn hóa, các chương trình nghệ thuật thường niên gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho văn hóa Hồ Chí Minh thấm sâu vào người dân thành phố, là nguồn sức mạnh đặc thù của con người thành phố mang tên Bác.

      Hiện nay, cả hệ thống chính trị của Thành phố mang tên Người, đã - đang xuất phát từ sự đáp ứng nhu cầu thể hiện tình cảm thiêng liêng đối với Bác Hồ của mọi tầng lớp nhân dân đã và đang tập trung xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên các địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Đây là điều được xem là một công trình văn hóa có ý nghĩa, vì lẽ đó, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một trong những nội dung cốt lõi của “Chiến lược phát triển ngành văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2035”mà tại Đại hội lần thứ XI Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh đã nêu rõ.

      Một vấn đề khác trong xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố mang tên Người, nhằm để từ đây người dân sẽ có thêm điều kiện sáng tạo không ngừng những tài sản mang giá trị văn hóa cũng như các giá trị tinh thần khác có hàm chứa sâu sắc về giá trị văn hóa Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, việc chú trọng xây dựng không gian văn hóa vật thể, cũng đã và đang phát triển mạnh mẽ văn hóa phi vật thể; đó là phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp từ lâu đời về đạo đức, lối sống, phong tục, phong cách người dân Nam bộ gắn với giá trị cốt lõi của tinh thần học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là từ khi thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng.

      Những mô hình xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh

     Hơn 13 năm nay, trong thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, việc đưa không gian văn hóa mang đậm những đặc trưng, tính cách, tình cảm con người Việt Nam, mà ở đó văn hóa của Người đã và đang hiện hữu, để bất cứ ai cũng cảm nhận được những nét cao cả văn hóa của Người - đậm lòng tin yêu về Bác Hồ kính yêu.

      Việc phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa hiện tại gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - đó là sự phối hợp về bảo tồn, làm phong phú thêm về tư liệu liên quan đến Người mà Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh phối hợp với tỉnh Nghệ An sẽ hợp tác, để tỉnh Nghệ An cung cấp trong thời gian tới; đồng thời, bảo tồn, trang trí, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa, nhất là di tích lịch sử liên quan đến thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Di tích lịch sử văn hóa gắn liền Ngày ra đi tìm đường cứu nước 11- 6 tại số 5 đường Châu Văn Liêm, phường 14, quận 5; Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh; Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Bến Dược - huyện Củ Chi, cũng như nhiều di tích đã gắn liền lòng dân Nam bộ đối với Bác Hồ…, các tổ chức văn hóa, tôn giáo trong hệ thống MTTQ VN tại Thành phố cũng như 22 MTTQ Quận, huyện, TP Thủ Đức, nhằm không ngừng giáo dục chủ nghĩa yêu nước, phát huy lòng tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng khi du khách đến tham quan các di tích lịch sử tại TP.Hồ Chí Minh. Hoàn thiện các thiết chế văn hóa, quy hoạch, đầu tư xây dựng mang dấu ấn riêng, trong đó có quy hoạch tổng thể không gian văn hóa Hồ Chí Minh, đầu tư xây dựng các công trình tượng đài, công viên văn hóa gắn hình ảnh quê hương và cuộc đời hoạt động của Người, tạo ra tổng thể các công trình đặc trưng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nhằm phục vụ cao nhất nhu cầu sinh hoạt, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật cho mọi người dân.

      Hiện nay, một chương trình cụ thể tại TP.Hồ Chí Minh là Đề án“Bảo tàng không gian mạng về Hồ Chí Minh” mà Nghị quyết Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh lần thứ XI đề ra, là sự tích hợp chia sẻ tất cả dữ liệu có liên quan đến Hồ Chí Minh được dịch ra nhiều ngoại ngữ để giới thiệu cho nhân dân, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như bạn bè quốc tế đến Việt Nam. Hiện các Đảng bộ tỉnh và Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên không gian mạng, báo chí, báo điện tử tại các địa bàn; mở các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về Hồ Chí Minh và văn hóa Việt Nam trên báo chí. Đồng thời, đưa các hình ảnh, phóng sự, hoạt động không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên các địa bàn, nhân rộng trên các trang mạng xã hội, Youtube, Zalo, Facebook và các trang điện tử để giới thiệu, tuyên truyền rộng rãi cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là sự phổ biến để giới thiệu, tuyên truyền rộng rãi về không gian mạng về không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các trang điện tử của các địa phương, sở ngành, MTTQ Việt Nam Thành phố...sẽ đưa vào nhiệm vụ thực hiện thường xuyên như Trang điện tử của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hồ Chí Minh.

      Điều đáng quan tâm hiện tại hệ thống MTTQ Việt Nam Thành phố và MTTQ Việt Nam tại 22 Quận, huyện, TP Thủ Đức là trong 3 năm qua, các công sở của các ngành, đơn vị, nhà trường, các nhà chùa, đền, thánh thất tôn giáo đã xây dựng được những mô hình về không gian văn hóa Hồ Chí Minh khá thành công, tạo nên những điểm nhấn hấp dẫn, tư liệu quý về Người trong trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

      Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là sự thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của mọi người dân đối với Người. Đây là động lực quan trọng để xây dựng đất nước ta không ngừng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại và hội nhập quốc tế, với những đặc trưng văn hóa tiêu biểu gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả về Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 05- CT/TW ngày 15-5-2016 Bộ Chính trị khóa XII “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, để không gian văn hóa Hồ Chí Minh, không ngừng lan tỏa rộng khắp ra mọi lứa tuổi, ngành nghề, địa phương của toàn dân tộc./.