Giải pháp ổn định hoạt động của khu phố, ấp tại Thành phố Hồ Chí Minh sau sắp xếp.

Chiều 10/5, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam quận Tân Bình tổ chức hội nghị tiếp xúc, lắng nghe, ghi nhận những thuận lợi, khó khăn trong triển khai thực hiện việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố trên địa bàn quận.

Quang cảnh hội nghị 

Tại hội nghị, đã ghi nhận 16 lượt ý kiến phát biểu của đại diện bí thư chi bộ, trưởng khu phố, trưởng ban công tác Mặt trận trên địa bàn quận. Đa số các ý kiến đồng tình, phấn khởi với chủ trương sắp xếp lại khu phố. Các ý kiến chia sẻ về các thuận lợi sau sắp xếp như: khu phố nhỏ gọn hơn khu phố trước đây, tinh gọn không còn cồng kềnh như trước; các chức danh được hưởng các chế độ được quy định rõ ràng. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến chia sẻ về những khó khăn sau khi sắp xếp như: hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, Quyết định số 24/2027/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quy chế, tổ chức và hoạt động của ấp, khu phố, tổ nhân dân, tổ dân phố đã hết hiệu lực, chưa có quy chế hoạt động của khu phố nên việc điều hành, phối hợp ở khu phố gặp nhiều khó khăn; việc hiện nay quy định chỉ có 5 chức danh chính được hưởng phụ cấp cũng gây nhiều tâm lý cho những người đang tham gia công tác, nhất là việc chức danh thứ 5 linh động lựa chọn giữa Bí thư chi đoàn, Chi hội trưởng Cựu chiến binh hay các đoàn thể khác; chưa có địa điểm họp đáp ứng yêu cầu hội họp của khu phố; việc tiếp cận người dân ở một số địa bàn dân cư gặp khó khăn;việc mời gọi, vận động những cán bộ đã về hưu tham gia công tác, hay vận động các bạn trẻ tham gia hoạt động tại địa phương gặp nhiều khó khăn, trong khi cán bộ làm công tác ở khu phố hiện tại đa phần đã lớn tuổi, rất tâm huyết nhưng sức khỏe có hạn, ứng dụng công nghệ còn thiếu nhanh nhạy; có ý kiến còn băn khoăng sẽ rất khó khăn khi không còn các chi, tổ hội hoạt động tại các khu phố…Tuy vậy, nhiều ý kiến cũng chia sẻ các cách làm từ sự thống nhất phối hợp giữa cấp ủy, trưởng khu phố, trưởng ban công tác Mặt trận và các chi hội trưởng các chi hội, phân công nhiệm vụ phụ trách từng cụm dân cư, thành lập các tổ tự quản, dự kiến trích tiền bồi dưỡng các chức danh tham gia hoạt động; vận động các vị trước đây đã tổ trưởng, khu phố trưởng cùng góp sức, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau; động viên và phân công thêm đảng viên trong chi bộ, các quần chúng nòng cốt; lập các nhóm trên các mạng xã hội để cùng nhau thông tin, hoạt động,…bước đầu đã có nhiều kết quả tích cực.

 Ông Nguyễn Khắc Nguyên, chủ tịch Ủy ban nhân dân Phường 13, quận Tân Bình phát biểu tại hội nghị  

 Như vậy, giải pháp cho hoạt động của khu phố, ấp tại Thành phố Hồ Chí Minh sau sắp xếp là gì?

          Trước hết, cần xác định rõ Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 14/3/2024 của HĐND thành phố là Nghị quyết về thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố trên địa bàn TPHCM, từ Nghị quyết này, các địa phương được sắp xếp lại gọn gàng hơn, cụ thể như: Thành phố từ 2008 khu phố với 25.369 tổ dân phố, sau sắp xếp còn lại 4.861 khu phố, không còn tổ dân phố; quận Tân Bình từ 117 khu phố với 1.305 tổ dân phố nay sắp xếp lại còn 212 khu phố, không còn tổ dân phố, giúp tinh gọn bộ máy dưới cấp xã, tinh giảm nhân sự người hoạt động không chuyên trách khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân và người trực tiếp tham gia hoạt động khu phố, tổ dân phố theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Kết luận số 453-KL/TU ngày 25/11/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về chủ trương định hướng sắp xếp khu phố, ấp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định của Trung ương.

          Thứ hai, cần xác định ở khu phố, ấp ngoài các chức danh tại khu phố, ấp được Quy định trong Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐND ngày 14/3/2024 quy định về chức danh, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn và mức khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, mức kinh phí hoạt động của khu phố, ấp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, còn có các chức danh như cộng tác viên chăm sóc sức khỏe, công tác viên dân số, ban Bảo vệ khu phố, Thanh tra nhân dân khu phố…được hưởng chế độ theo các quy định của Thành phố; các chức danh của các hội, tổ hội hoạt động theo Điều lệ của các Hội như hội khuyến học, Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến, hội Cựu Quân nhân, Hội Cựu giáo chức khu đội trưởng dân quân,,… cần được tập hợp, phân công, phối hợp hoạt động trong hoạt động của khu phố, ấp.

          Để hoạt động của khu phố đi vào nề nếp, hiệu quả, những việc cần làm ngay là:

          - Trên cơ sở rà soát toàn bộ các chức danh hiện đang hoạt động liên quan đến hoạt động của khu phố do cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội, hội quần chúng, công an, quân sự quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ, Sở Nội vụ nhanh chóng căn cứ vào các quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư; Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, hội quần chúng,… các văn bản khác quy định về các chức danh có liên quan đến hoạt động ở khu phố,…để tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quy chế hoạt động của khu phố, ấp có các nội dung phối hợp rõ ràng để khu phố, ấp nhanh chóng ổn định, triển khai hiệu quả các hoạt động của khu phố, ấp.

          - Sở Tài chính tham mưu văn bản cụ thể hóa Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐND ngày 14/3/2024 quy định về chức danh, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn và mức khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, mức kinh phí hoạt động của Khu phố, ấp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh để nhanh chóng chi tiền hỗ trợ theo quy định; đồng thời, tiến hành rà soát các khoản hỗ trợ hiện nay đối với các chức danh hiện đang hoạt động liên quan đến hoạt động của khu phố do cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội, hội quần chúng, công an, quân sự quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ,…để tham mưu các chính sách hỗ trợ phù hợp với tình hình hoạt động của các khu phố, ấp trên địa bàn Thành phố.

          - Cấp ủy các khu phố chủ trì rà soát, đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể phường, hội quần chúng tiếp tục củng cố, kiện toàn nhân sự tất cả các chức danh hiện đang hoạt động trên địa bàn khu phố đảm bảo sự hiệu quả trong hoạt động của các chức danh này.

          Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, sự quan tâm tổ chức thực hiện của Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các hội quận chúng từ Thành phố đến khu phố, ấp; sự đồng lòng phối hợp và sự sáng tạo trong hoạt động của nhân sự hoạt động ở khu phố, ấp và các giải pháp đã nêu, chắn chắn rằng mô hình hoạt động khu phố sau sắp xếp tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.