Bài 3: “Nhà Giàn DK1 cột mốc canh giữ chủ quyền của Tổ quốc”
Cách nay đúng 35 năm (5-7-1989), trên vùng biển phên giậu của Tổ quốc - thềm lục địa phía Nam - những nhà giàn DK1 đầu tiên được xây dựng để bảo vệ chủ quyền. DK là chữ cái đầu viết tắt của cụm từ Dịch vụ - Khoa học kỹ thuật, phục vụ mục đích dân sự trên biển. DK1 được xây dựng dưới dạng các nhà giàn, cách đất liền khoảng 250-350 hải lý và vùng biển phía Đông Nam của Tổ quốc. Những nhà giàn DK1 giữa trùng khơi đã trở thành biểu tượng khẳng định cột mốc chủ quyền trên biển, hiện đang được những người lính Hải quân ngày đêm canh giữ. Và để bảo vệ chủ quyền của biển đảo cũng có không ít sự hy sinh của các chiến sỹ trên các nhà giàn.

Nhà giàn DK1/17 sừng sững giữa biển khơi
Chuyến hải trình đi thăm cán bộ, chiến sỹ và nhân dân quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DKI do Phó Bí Thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh - Nguyễn Phước Lộc - Trưởng đoàn đại biểu cùng 168 đại biểu đã đặt chân đến với Nhà giàn DK1/17 (Phúc Tần). Nhà giàn sừng sững giữa biển trời như một cột mốc đánh dấu chủ quyền thềm lục địa, nhiệm vụ của các nhà giàn là lập các đèn biển để thông báo cho tàu thuyền đánh cá và vận tải hàng hải đi lại trong vùng; đặt trạm nghiên cứu khí tượng thủy văn; làm nơi trú tránh bão và ứng cứu ngư dân...
Lần đầu tiên đứng trên Nhà Giàn mới thấy sự chông chênh giữa biển, nhìn lên là bầu trời, nhìn xuống là biển sâu thăm thẳm. Vậy mà các thế hệ cán bộ, chiến sĩ vẫn bám trụ dài ngày canh giữ nhà giàn để trở thành những “pháo đài thép” hiên ngang trên biển. Tham gia đoàn công tác, cựu binh trên con tàu HQ-505, những nhân chứng sống của cuộc hải chiến Gạc Ma 1988, nơi 64 cán bộ, chiến hy sinh. Nay trở lại chiến trường xưa trong tình cảm sâu sắc và xúc động trào dâng, Thượng tá Phạm Văn Hưng - nguyên trưởng ngành 2 tàu HQ - 505, nguyên Phó phòng hậu cần hành chính Bộ tham mưu Hải quân xúc động nhớ lại đã 36 năm qua, xương cốt của 64 liệt sĩ vẫn nằm dưới đáy biển bên những rặng san hô trải dài. Và 36 năm, thời gian đủ dài để nhuộm trắng những mái đầu xanh, có những đồng đội đã mãi mãi nằm lại dưới đáy biển sâu: “Sau sự kiện 14/3 tôi tiếp tục về tin học và tôi làm thuyền trưởng của rất nhiều chuyến đi, chở rất nhiều phái đoàn đi qua các khu vực này. Mỗi lần đi qua và làm lễ tưởng niệm cũng đều gây cho tôi nhớ đến từng hình ảnh, tại vì chúng tôi ở trong 1 lữ đoàn mà hồi xưa là tiền thân của đoàn Tàu không số. Anh em trên tàu và trong lữ đoàn chơi với nhau và biết hết mặt nhau, cho nên lúc đó mình nhớ và hình dung đến gương mặt của từng anh em mà thương các đồng đội”.

Lãnh đạo Đoàn công tác số 12 tưởng niệm chiến sĩ hy sinh trong cuộc hải chiến Gạc Ma 1988
Còn chị Trần Thị Liên, công tác tại Viện Kiểm sát TP.Hồ Chí Minh, con gái của liệt sỹ Trần Quang Triết nhớ ngày Biển Đông dậy sóng, nhớ người cha của mình cũng đã hy sinh giữa trùng khơi khi chị còn trong bụng mẹ, thành kính tri ân những người con của Tổ quốc đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ chủ quyền đất nước, lại nhớ những đến người cha cùng cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh khắc phục khó khăn, gian khổ đi xây dựng nhà giàn trên biển, chị nghẹn ngào: “Bố mình thì hy sinh vì đất nước rồi, tại vì bố vẫn đang nằm dưới biển. Mình nghĩ nếu có làm lại thì bố cũng sẽ làm như thế chỉ là gia đình quá nhớ thương vì không đưa được mộ bố về. Được ra đây mình rất là xúc động và mình nghĩ bố cũng sẽ như thế. Bố mất đi thì cũng lo lắng cho con gái. Giờ thấy con gái cũng khỏe mạnh, có công việc ổn định và làm những việc giúp ích cho cuộc sống chắc là bố cũng rất vui. Ra Trường Sa là ước mơ và tâm niệm của cả gia đình mình bấy lâu nay vì không đưa được bố về. Ra đây thắp hương cho bố và các bác, các chú có hoàn cảnh như bố mình”.
Tham gia cùng đoàn suốt hải trình, Thượng tá Vũ Trọng Lưu, Chính trị viên Đoàn An điều dưỡng 22, Cục Chính trị Hải quân, nhắc đến vùng biển công trình DK1 rộng lớn với diện tích khoảng 80.000 km2, có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh - quốc phòng, khu vực rất giàu có về tài nguyên khoáng sản và tài nguyên biển, án ngữ trên đường hàng hải quốc tế qua biển Đông. Vì vậy, sự bành trướng, nhòm ngó của nước ngoài ở biển Đông là lý do khiến Bộ Quốc phòng quyết tâm xây dựng nhà giàn DK1 để giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. So với trước đây thì nhà giàn thế hệ mới chịu được bão gió cấp 14. Tuy nhiên, Thượng tá Vũ Trọng Lưu cũng cho biết đây môi trường khí hậu rất khắc nghiệt, những rung chấn trong lòng đại dương thì chúng ta cũng không biết trước được điều gì đó sẽ xảy ra. Nhưng với các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn chưa bao giờ mà không kiên định, chưa bao giờ không yên tâm là ngày mai bão gió như thế nó có sập, nó có đổ không thì vẫn rất tự tin, Thượng tá Vũ Trọng Lưu nhớ lại: “Những năm đầu tiên xây dựng nhà giàn này thì nó chỉ chịu được sóng cấp 10 nhưng khi cơn bão năm 1998, 1999 rồi 1990 thì có 5 nhà giàn đổ. Năm đó là bão cấp 12 và có những lúc giật trên cấp 14, trước khi bị đổ thì nó đã rung lắc rất mạnh. Có những nhà giàn nó vặn như quả đỗ, làm tất cả những vật dụng ở trên đấy đều bay hết và chỉ còn những cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn thì kiên trì bám trụ ở lạị. Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh Quân chủng cho phép sóng trên cấp 10 thì được rút khỏi nhà giàn để bảo toàn tính mạng, nhưng mà các bạn vẫn kiên trì bám trụ, các đồng đội vẫn kiên trì bám trụ và cương quyết không rời nhà giàn, Đến khi không còn có sức chịu được nữa thì là mọi người quấn cờ Tổ quốc vào trong lòng của mình và người chỉ huy trưởng – chính trị viên là người rút ra sau cùng trước khi nhà giàn đổ. Trước đó khi mà gọi điện vẫn còn sóng điện thoại và câu cuối cùng của của đồng chí đó là: Chào đất liền! Chào các thủ trưởng, chúng em đi …..và cuộc gọi, câu nói đấy là lời nói sau cùng….”.
Dù đi vào mùa biển êm nhưng việc tiếp cận và leo lên nhà giàn cũng không hề dễ dàng với những người đến từ đất liền, đặt chân lên nhà giàn trải nghiệm cuộc sống ở độ cao hơn 30 mét so với mặt nước mới cảm nhận được sự hy sinh của những người ngày đêm đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió quanh năm, chân chưa hề chạm đất. Ca sỹ Đông Triều tâm tình: “Đây là một lần đáng nhớ với Đông Triều, vì đây cũng là lần thứ 3 Đông Triều đến với Trường Sa và được đặt chân lên nhà giàn. Hai lần trước thì thời tiết không cho phép tất cả đại biểu lên nhà giàn và lần thứ 3 này thì đã được đặt chân lên nhà giàn và Đông Triều rất cảm động khi thấy được sự khó khăn của nhà giàn, nắng thì rất nắng, có lúc thì giông bão thì không biết sẽ như thế nào. Nay mới thấy được sự hy sinh của các anh nhiều như thế nào”.

Những chậu rau xanh mướt trên nhà giàn
Tranh thủ những giây phút quý giá trên nhà giàn DK1/17, chúng tôi gặp gỡ, trò chuyện cùng những người lính trẻ ngày đêm ngăn sóng canh giữ tại nhà giàn DK1, còn tàu Kiểm ngư KN -290 neo đậu cách nhà giàn gần một hải lý. Nhìn từ xa, Nhà giàn thật nhỏ bé nhưng đến gần mới thấy đây là những công trình vững chãi, sừng sững hiện ra như pháo đài thép vững chắc trên biển. Trò chuyện cùng Đỗ Minh Thuận, quân hàm hạ sĩ, Tiểu đoàn DK1 người được chính trị viên tại Nhà giàn giới thiệu là chiến sĩ trẻ nhất khi làm nhiệm vụ dẫn chúng tôi đi tham quan Nhà giàn, được tận mắt chứng kiến những thành quả của hoạt động tăng gia sản xuất tại nhà sàn giữa biển trời đầy nắng, gió và bão tố nhưng mặc thời tiết khắc nghiệt và nước biển mặn mòi, những mầm xanh vẫn vươn lên trong sóng gió bất giác hiện ra lời hát “…..giữa trùng khơi vẫn xanh ngời giữa biển trời vẫn sống yêu đời “lính nhà giàn là thế đó”, mấy chậu hoa luống rau cà vẫn vượt lên nỗi nhớ quê nhà”…, Chiến sỹ trẻ Đỗ Minh Thuận tâm tình: Những người lính hải quân trên các nhà giàn bám trụ trên biển từ 8 - 12 tháng cũng có khi do yêu cầu nhiệm vụ nên phải ở hơn 20 tháng mới vào đất liền. Sống giữa biển và trời với thời gian dài dằng dặc như thế đương nhiên là khó khăn, vất vả và thiếu thốn đủ bề: “Cảm giác lúc đầu ra đây em cũng hơi bỡ ngỡ nhưng được các anh, các chú ở Nhà Giàn giúp đỡ em cũng thích nghi dần và cảm thấy cuộc sống rất thoải mái. Ngoài giờ huấn luyện thì cũng đi câu cá để có cái ăn cho cuộc sống đỡ vất vả. Ở đây vào mùa mưa thì nước cũng rất nhiều còn vào mùa nắng thì nước khan hiếm nên sử dụng rất tiết kiệm. Ra đây em mới hiểu được cuộc sống của cha anh, ngày xưa đã hy sinh cho đất nước như thế nào để hôm nay em phải phấn đấu hết mình để không phụ lòng cha ông và mọi người”.
Đã có rất nhiều người lính dành cả tuổi trẻ của họ ở nhà giàn DK1. Có người 29 năm, quanh quẩn 5-6 nhà giàn khác nhau, như Thiếu tá chuyên nghiệp Đoàn Quang Duẩn – nhân viên thông tin vô tuyến điện tại Nhà Giàn Phúc Tần kể, đã có nhiều lần tiếp xúc với những người dân miền biển, cũng trải qua những giây phút căng thẳng tột độ khi tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn. Nhớ lại lần đầu tiên lên nhà giàn thì cảm giác cũng bỡ ngỡ, chưa quen với sinh hoạt, môi trường biển, sau đó phải tự mình thích nghi, theo anh so với Nhà giàn ngày xưa thì bây giờ đầy đủ và tiện nghi hơn, đáp ứng cuộc sống để tinh thần bộ đội thoải mái hơn. Có nơi tập thể dục, có điện năng lượng mặt trời thắp sáng, có bồn để trồng rau xanh, có chuồng inox để nuôi heo, gà; có điện, có tủ đông, tủ lạnh trữ được thực phẩm cho những ngày sóng gió, có sóng điện thoại để mọi người giữ thông tin liên lạc với đất liền: “Hồi ở Nhà giàn nhỏ thì với độ sóng cao thì nó cũng dao động nhưng chân đế cũng ổn định nên bộ đội cũng yên tâm thực hiện nhiệm vụ với thời gian dài trên biển. Cũng mong rằng, lực lượng Hải quân bảo vệ chủ quyền biển đảo, đứng đầu ngọn sóng, ngọn gió; mong các bạn trẻ cũng lấy tấm gương các anh bộ đội bảo vệ biên giới hải đảo, bảo vệ tốt nhiệm vụ vượt qua bão gió”.
Chia sẻ về chuyến đi, Thượng tá Nguyễn Thanh Hải – Phó Chủ nhiệm Chính trị - Bộ đội Biên phòng TP.Hồ Chí Minh hiểu rõ hơn, cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên các đảo, nhà giàn; khâm phục tinh thần quả cảm, khắc phục khó khăn của các anh mà đến rồi mới cảm nhận hết được: “Chúng tôi cũng là lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo nhưng về đời sống của chúng tôi thì phải nói là tốt hơn và tốt hơn rất nhiều. Đối với các cán bộ, chiến sĩ ở ngoài đảo Trường Sa này ngay về mặt địa lý thì cũng đã thấy là rất xa. Chúng tôi đi tuần tra ở cách đất liền rồi đi tàu khoảng 1 đến hai tiếng đồng hồ thôi nhưng mà đây hai ngày chúng tôi vẫn chưa đến được đảo. Cho nên phải nói là từ cái vị trí địa lý đó cũng đã đủ thấy được những khó khăn của cán bộ, chiến sĩ ở trên các quần đảo Trường Sa và chỉ có ý chí và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, của người lính, bộ đội Cụ Hồ, của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam mới có thể vượt qua được những khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng biển, đảo của Tổ quốc”.
Cuộc gặp gỡ, thăm hỏi, động viên chỉ vẻn vẹn trong khoảng hơn một giờ đồng hồ nhưng đã khơi lên trong lòng mỗi người một niềm cảm xúc khó tả, những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm nồng ấm không thể nào nói hết sự cảm phục của những người thăm nhà giàn. Chuyến đi giúp cho đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh hiểu hơn về đời sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo, tích cực tuyên truyền về biển, đảo tham gia các hoạt động của phong trào “Vì biển, đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”. Đây cũng là nội dung kỳ cuối của loạt bài: Trường Sa miền nhớ trong kỳ tiếp theo có tựa đề: “Nghĩa tình với Trường Sa từ Thành phố mang tên Bác”.