Bài 2: Đảo Sinh Tồn – Vững vàng nơi đầu sóng
49 năm trước, lúc 11h30 ngày 30/4/1975, lá cờ của Quân giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, non sông Việt Nam thống nhất. 49 năm sau, lúc 11h30 ngày 30/4/2024, lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa biển trời Trường Sa.
Tại đảo Sinh Tồn là một trong 5 đảo giải phóng đầu tiên trên quần đảo Trường Sa vào ngày 28/4/1975. Trải qua gần 50 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, quân, nhân dân và các lực lượng trên đảo đã lập nhiều thành tích xuất sắc, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Dịp này, Phó Bí Thư Thành ủy TPHCM - Nguyễn Phước Lộc – trưởng đoàn đại biểu cùng 168 đại biểu đến từ các đơn vị trên địa bàn TPHCM đến thăm hỏi và động viên các cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo Sinh Tồn.
Hiện nay, xã đảo Sinh Tồn là một trong ba xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Bên cạnh các đơn vị quân đội, trên đảo còn có các hộ dân sinh sống. Đảo Sinh Tồn, cách thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa khoảng 600 km về phía đông nam, cách đảo Trường Sa lớn khoảng 297 km. Cách đá Gạc Ma đang bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp trái phép từ năm 1988 khoảng 20 km. Việc án ngữ ở một vị trí cực kỳ đắc địa trong quần đảo Trường Sa đã cho thấy Sinh Tồn là một trong những hòn đảo có ý nghĩa chiến lược quan trọng tại quần đảo Trường Sa của nước ta.

Đảo Sinh Tồn
Chính vì vậy mà đảo Sinh Tồn được mệnh danh là bức tường thành hay là lá chắn vững chắc của Việt Nam tại Biển Đông. Trước đây, đảo Sinh Tồn là một bãi cát có diện tích khoảng 2,5 hecta với chiều dài khoảng 300 m và chiều rộng khoảng 130 m. Từ năm 1994, công binh bắt đầu xây kè chắn sóng cho hòn đảo, xây dựng âu tàu và một số công trình trên đảo. Đến nay, diện tích đất nổi của đảo vào khoảng 13 héc ta, trong đó chiều dài hơn 500m và chiều rộng là khoảng 450m. Phần âu tàu rộng khoảng 7 héc ta với lối vào rộng khoảng 125m. Bên trong âu tàu có một cầu cảng dài khoảng 55 mét. Các tàu có trọng tải lớn cũng có thể cập cảng, độ sâu trung bình của âu tàu khoảng 4,5 mét, cùng lúc có thể đón từ 70 đến 100 tàu cá các loại vào tránh bão.
Tại đây cũng có hệ thống đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu dẫn luồng đảm bảo cho các tàu cá và tàu vận tải ra vào an toàn cả ban ngày lẫn ban đêm. Bên cạnh đó, Trung tâm dịch vụ hậu cần kỹ thuật nghề cá trên đảo cũng có nơi ăn nghỉ cho ngư dân, cung cấp xăng dầu, nước ngọt và sẵn sàng ứng cứu cho ngư dân khi tàu gặp sự cố. Anh Hoàng Xuân Thịnh – nhân viên dịch vụ hậu cần kỹ thuật trên đảo Sinh Tồn cho biết: “Âu tàu đây là nơi để trú tránh bão cho tất cả các tàu thuyền hoạt động ở vùng biển này. Ngư dân khi ra biển họ có nhu cầu về nhiên liệu, về nước ngọt, ghe bị hư hỏng, máy móc, công cụ đó thì họ vào đây sửa chữa thì hoặc chữa bệnh khi có ốm đau. Ở đây có bệnh xá ở trên đảo. Chúng tôi ở đây chỉ làm về mảng kỹ thuật tàu hỏng thì sửa chữa về nhân công là được hỗ trợ hoàn toàn, chỉ tính tiền vật tư thôi. Trung tâm dịch vụ đây là về nước ngọt thì cũng cung cấp cho bà con cũng miễn phí. Rau xanh có thì cũng giúp đỡ bà con, về nhiên liệu thì bán bằng giá ở đất liền”.
Ngọn hải đăng sinh tồn được xây dựng vào năm 2012 nằm ở phía Tây của hòn đảo, ngọn hải đăng không chỉ là cột mốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nói chung và đảo Sinh Tồn nói riêng mà nó còn có tác dụng định vị vị trí đảo Sinh Tồn, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Trường Sa có định hướng và xác định được vị trí của mình.

Rau xanh trên đảo Sinh Tồn
Cũng giống như những đảo khác, đảo Sinh Tồn không có nước ngọt, thổ nhưỡng trên đảo chỉ có san hô nên hầu như không trồng được cây ăn quả, rau xanh. Tuy nhiên, bằng sức lao động và sự cần cù, chịu khó, quân và dân trên đảo đã cải tạo được đất và có thể trồng được rau xanh để cải thiện cuộc sống. Ngày nay, Sinh Tồn đang sáng lên bởi màu sắc của những loại rau củ được cán bộ, chiến sĩ nhân dân tỉ mỉ chăm chút. Chiến sỹ Lê Xuân Lĩnh, chia sẻ: “Trồng rau thì cũng nhiều vất vả, hàng ngày cuốc đất để tăng gia sản xuất cho rau tươi xanh. Đất ở đây khó trồng cây cộng với thời tiết khắc nghiệt vì nắng gió và nước biển táp vào, cây cối rất khó sống. Tuy nhiên, nhờ sự cần cù, chịu khó của các chiến sỹ, ở đây cũng trồng được rau cải, rau ngót, rau mùng tơi với nhiều loại rau thơm khác.”.
Dù còn nhiều khó khăn, cách xa đất liền hàng trăm hải lý; trong khi điều kiện y tế còn nhiều thiếu thốn nên việc khám chữa bệnh và cứu chữa quân dân ngoài Trường Sa là không hề đơn giản. Song, bằng tinh thần trách nhiệm cao, trình độ chuyên môn vững, y, bác sĩ tại xã đảo Sinh Tồn luôn nỗ lực vượt khó khăn, cứu sống nhiều trường hợp là chiến sĩ, ngư dân tại đây. Thượng úy Đinh Văn Trường – Bác sỹ Trưởng Bệnh xá Đảo Sinh Tồn cho biết: từ đầu năm 2024 đến nay đã điều trị cho gần 20 ngư dân, trong đó đã đưa 3 ngư dân bằng trực thăng và 2 ngư dân bằng tàu trực vào bờ để kịp thời cứu chữa: “Bệnh xá cũng mới tiếp nhận một ngư dân bị đột quỵ não, hiện tại đang cấp cứu và điều trị tại bệnh xá, khi nào ổn định thì sẽ chuyển vào bờ, tiếp tục điều trị chuyên sâu. Về tình trạng cấp cứu thì từ đầu năm đến nay có khoảng 15 đến 20 trường hợp, ngoài ra cũng cấp phát thuốc trong quý 1 hơn 1.000 lượt khám cho ngư dân ở quanh đảo. Tuy nhiên, với những trường hợp khó mà cần phải vận chuyển về tuyến sau thì cần phải mất thời gian cấp cứu, vận chuyển. Đấy cũng là một cái khó khăn cho bệnh xá cũng như là một thiệt thòi cho ngư dân cũng như là cán bộ, chiến sĩ nếu như mà bị bệnh cấp tính ở ngoài biển, đảo”.

Lớp học trên đảo Sinh Tồn
Sinh Tồn còn được ví như một công viên xanh mát giữa sóng trùng khơi. Đây là một trong những đảo không chỉ là nơi đóng quân của lực lượng Hải quân Việt Nam mà còn có dân cư sinh sống từ rất nhiều năm. Đảo là nơi đặt trụ sở của Ủy ban nhân dân xã Sinh Tồn và nhiều công trình dân sinh khác. Trường tiểu học xã Sinh Tồn được xây dựng năm 2013 và khánh thành năm 2014. Hiện nay, trường tổ chức năm lớp nhưng sĩ số khiêm tốn vỏn vẹn, chỉ khoảng hơn chục em học sinh học các lớp khác nhau. Tuy nhiên, không khí giảng dạy, học tập của thầy và trò nơi đảo xa chưa bao giờ vì thế mà kém đi phần hào hứng, sôi nổi. Khi học hết lớp 5, các em sẽ vào đất liền để tiếp tục theo học các cấp cao hơn. Vì vậy, mỗi thầy cô giáo khi ra đi công tác luôn luôn cố gắng bội phần để các em có kết quả học tập cao nhất. Thầy giáo Trương Hồng Lĩnh, đến công tác ở đây hơn 1 năm cho biết: “Mình là giáo viên tiểu học nhưng mà ra đây thì đặc thù, nên mình phải dạy luôn cả mầm non, cho nên cũng có nhiều cái bỡ ngỡ. Ví dụ như là hát múa thì đây không phải là chuyên ngành của mình, cho nên có đôi lúc nó cũng vụng vụng về nhất là khâu múa, hát cho các cháu cũng như làm đồ chơi và chơi cùng với các cháu. Ở đây thì máy tính cũng có đầy đủ. Trước nay mình cũng đi dạy nhiều nơi như ở vùng núi rồi đồng bằng cũng có rồi lần này là ra Trường Sa. Đây cũng là động lực lớn nhất để mình ra đây và coi các bé giống như là con cái của mình”.
Hiện nay đảo Sinh Tồn đang hoàn thiện về cơ sở hạ tầng với hệ thống điện đường, trường trạm khá là hoàn chỉnh và ngày càng được nâng cấp. Toàn hòn đảo được sử dụng bằng điện, hệ thống năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Tọa lạc tại đảo còn có ngôi chùa Sinh Tồn cổ kính, thanh tịnh. Chùa Sinh Tồn được xây dựng theo phong cách truyền thống gồm một gian hai trái với mái cong đầu, bên trong chùa có những pho tượng chế tác công phu. Chùa Sinh Tồn cũng là nơi đặt tấm bia Phương danh 64 liệt sĩ hy sinh trong sự kiện bảo vệ bãi đá Gạc Ma vào ngày 14/3/1988. Tấm bia để quân dân trên đảo và đoàn công tác trong đất liền ra thăm đảo Sinh Tồn có thể thắp hương tưởng nhớ, tri ân những người con đã anh dũng, hy sinh, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đến thăm đảo Sinh Tồn. Thượng tọa Thích Minh Bảo – Trưởng ban trị sự Phật giáo – Chùa Phước Duyên, quận 4, TPHCM nói: “Khi mà bước chân lên đảo Sinh Tồn này chúng tôi rất là tự hào vì nơi đó có một ngôi Chùa để hướng dẫn tâm linh cho những đồng bào, chiến sĩ, nhân dân ở tại hòn đảo này. Là nơi đề chúng ta hướng về tâm thiện, hướng về những cái gì tốt đẹp nhất và chúng tôi hy vọng rằng nơi nào có mái chùa, thì nơi đó sẽ che chở cho dân tộc chúng ta có hòa bình”.
Trong 21 đảo, điểm đảo với 33 điểm đóng quân tại quần đảo Trường Sa chỉ có 3 địa điểm có người dân sinh sống, đó là tại các xã đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa. Họ là những gia đình trẻ, sống, gắn bó với Trường Sa và xem đây là quê hương thứ 2 của mình. Chị Trần Thị Thu Huyền – người dân sinh sống tại xã đảo Sinh Tồn, quê Nam Định, hiện theo chồng vào Nha Trang được hơn 1 năm. Dẫu đảo xa còn nhiều khó khăn so với đất liền, nhưng chị cùng gia đình cũng như toàn bộ người dân trên đảo rất tự hào vì được đóng góp phần công sức nhỏ bé của mình trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc: “Được ra tuyến đầu của Tổ quốc cũng là một vinh dự cho bản thân và gia đình, dù là góp một sức nhỏ thôi nhưng cũng vẫn cảm thấy tự hào vì được cùng với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo thực hiện việc chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc và luôn xác định: “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Là quê hương thứ 2 ở nơi tuyến đầu của Tổ quốc”.
Trung tá Hoàng Đức Chiến – Chính trị viên Đảo Sinh Tồn cho biết, với mỗi người lính đảo lòng dũng cảm, dạn dày, sương gió không chỉ dễ dàng cảm nhận từ màu da rám nắng mà nó đến từ trong suy nghĩ và hành động của mỗi người, bởi giữa nơi trùng ng khơi chỉ có niềm tin, tình yêu biển đảo quê hương trọng trách với Tổ quốc, dân tộc mới thực sự là thành lũy vững chắc, che chở cho họ:“Cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn luôn được các cấp lãnh đạo, chỉ huy thường xuyên quan tâm, động viên sâu sát về mặt tình cảm cũng như là các mối quan hệ giữa cán bộ - chiến sỹ đều xây dựng rất tốt. Bây giờ anh em có điều kiện công tác ở trong quân đội được lãnh đạo, chỉ huy đơn vị cũng xác định là phải thường xuyên quan tâm, động viên để anh em yên tâm công tác xây dựng đơn vị và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao”.
Đến thăm thăm cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đảo Sinh Tồn, Phó Bí Thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc nhấn mạnh: Ông rất là yêu quý và ngưỡng mộ tất cả các chiến sỹ về ý chí, sự tự tin, niềm tin chiến thắng, bản lĩnh và thực sự rất dũng cảm để nhận nhiệm vụ thật sự thiêng liêng: “Thành tích của các đồng chí rất xứng đáng cho sự nỗ lực phấn đấu làm tôi nhớ lại bài thơ của Nhà thơ Trần Đăng Khoa có một đoạn sau đây:
“Ôi hòn đảo Sinh Tồn, hòn đảo thân yêu
Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo
Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương đầy gió bão
Chúng tôi như hòn đá ngàn năm trong nhịp đập tim người
Như đá vững bền, như đá tốt tươi...”
Và các đồng chí đã phấn đấu công tác, lao động, chiến đấu để đạt được kết quả, mà kết quả đó chính là sự tự hào không chỉ của riêng quân đội nhân dân Việt Nam mà là sự tự hào của quân dân cả nước. Đảo Sinh Tồn đã trở thành ý chí thiêng liêng của ý chí kiên cường và sức sống mãnh liệt của cán bộ chiến sỹ, lực lượng công tác và người dân ở nơi đây”.
Sinh Tồn là hòn đảo có ý nghĩa chiến lược quan trọng tại quần đảo Trường Sa là lá chắn giữa biển Đông cùng với các đảo khác, sinh tồn còn là chỗ dựa vững chắc của ngư dân nước ta, yên tâm ra khơi bám biển, khai thác hải sản tại ngư trường truyền thống của ông cha ta theo đúng quy định pháp luật của Việt Nam và quốc tế, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Mỗi điểm, mỗi đảo trên quần đảo Trường Sa đều là những dấu son chủ quyền của lãnh hải Tổ quốc. Khác với các điểm đảo, khi đến với Nhà Giàn DK1 là sự chông chênh giữa biển, nhìn lên là bầu trời, nhìn xuống là biển sâu thăm thẳm. Đã có biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ dành trọn tuổi thanh xuân của mình để những nhà giàn DK1 trở thành những “pháo đài thép” hiên ngang trên biển. Phải là những người có tinh thần thép và ý chí sắt đá mới có thể bám trụ dài ngày như thế giữa biển khơi. Và nội dung này sẽ được chuyển đến bạn đọc trong loạt bài: “Trường Sa miền nhớ” ký tiếp theo./.