Tối ngày 01/5/2024, Ban quản trị Hội quán Hải Nam tổ chức chương trình kỷ niệm 200 năm thành lập Quỳnh Phủ Hội quán (1824 – 2024). Đến dự có và Võ Thị Dung – Nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; bà Trần Kim Yến – UVBTV Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; bà Nguyễn Thị Bạch Mai – Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Thành ủy; ông Huỳnh Văn Hồng Ngọc – Trưởng ban Dân tộc TPHCM; ông Lê Tấn Tài - UVBTV Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 5; ông Nguyễn Võ Xuân Kỳ - QUV, Phó Chủ tịch UBND Quận 5; cùng các ông bà là lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số TPHCM Hội LHPN thành phố; đại diện lãnh đạo các phòng ban chuyên môn thuộc quận; Ban quản trị Hội quán Hải Nam các tỉnh, thành phố; đại diện Ban quản trị các Hội quán đồng bào Hoa trên địa bàn quận, bà con đồng hương nhóm ngôn ngữ Hải Nam cùng về dự.

Lãnh đạo quận tặng hoa chúc mừng Ban quản trị Hội quán
Phát biểu tại chương trình họp mặt, ông Lâm Minh Huy - Trưởng ban quản trị Hội quán Hải Nam cho biết: 200 năm qua, hiện diện trên vùng đất “Sơn tranh thủy tú”, Quỳnh phủ Hội quán tiêu biểu cho sắc thái văn hóa dân tộc Hoa, nơi gắn kết đồng hương Hải Nam cùng nhau tôn tạo, gìn giữ di tích lịch sử, duy trì phát huy tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng hướng thiện, đoàn kết tương thân tương ái, chăm lo phúc lợi đồng hương và tích cực tham gia công ích, từ thiện xã hội.

Ông Lâm Minh Huy phát biểu tại chương trình
Ông Lâm Minh Huy cũng cho biết: Ngày 03 tháng 02 năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong suốt hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngay tại Sài Gòn - thủ đô của chế độ ngụy quân ngụy quyền, luôn có sự tích cực tham gia của bà con các tầng lớp đồng bào Hoa, riêng nhóm ngôn ngữ Hải Nam có các vị lão tiền bối tiêu biểu như: chú Trang Dung (Phù Lập), chú Hàn Quang (gia đình 4 đời đảng viên), chú Đặng Hoán Bổn nhân sỹ trí thức yêu nước, ... có mẹ Việt Nam anh hùng Lâm Xuân Lan, anh hùng phi công Lâm Văn Lích và các liệt sĩ Hàn Hải Nguyên, Lý Phong, Trần Huấn Phương, Hà Toàn, Sử Chấn Thanh, Phan Chánh Hoa vv ... 49 năm sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả nước cùng bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến hành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo nói chung, cơ sở tín ngưỡng đồng bào Hoa nói riêng mang trong mình truyền thống cách mạng, nhanh chóng thích ứng gắn bó với cuộc sống, thể hiện tinh thần đoàn kết, hòa hợp với khối đại đoàn kết dân tộc, góp sức bảo vệ xây dựng phát triển đất nước và thành phố Hồ Chí Minh chung và Quận 5 nói riêng phát triển, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Toạ lạc số 276 đường Trần Hưng Đạo B, Phường 11 Quận 5, TP HCM, Hội quán Quỳnh Phủ hay chùa Bà Hải Nam là một công trình kiến trúc nghệ thuật mang đậm màu sắc văn hoá của người Hoa gốc Hải Nam. Hội quán được xây vào khoảng năm 1824, do cộng đồng Hoa kiều gốc Hải Nam đến sinh sống ở Chợ Lớn đóng góp tiền bạc mua đất xây dựng làm nơi tổ chức lễ hội dân tộc, cầu mong cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an. Theo các ghi chép trên các bia đá thì hội quán đã trải qua hơn chục lần trùng tu mở rộng, trong đó có 6 lần trùng tu quy mô lớn, chùa mới có quy mô, diện mạo như hôm nay.
Quỳnh Phủ Hội Quán – Miếu Bà Hải Nam thành phố Hồ Chí Minh đã được Bộ Văn hoá Thông tin cấp bằng chứng nhận “Di tích lịch sử – văn hoá” cấp quốc gia bằng Quyết định số 52/2001/QĐ/BVHTT cấp ngày 28/12/2001.