
Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh Trần Kim Yến đến thăm hỏi và chúc mừng
GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2024)
Con đường dấn thân vào sự nghiệp bảo vệ sức khỏe người dân
Khi đó, “Không ai tin là tôi vẫn quyết tâm ở lại, khi mà chồng tôi lúc ấy đang ở bên Pháp, làm thủ tục bảo lãnh cả 4 mẹ con sang định cư. Mẹ con tôi đã khám sức khỏe, tiêm ngừa và cầm passport trên tay, chỉ chờ ngày lên máy bay. Thế nhưng, mọi thứ thay đổi vì tôi chọn ở lại” - GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng nhớ về một kỷ niệm không thể quên…
Chuyện GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng chọn ở lại để cống hiến cho đất nước được dư luận và giới truyền thông quan tâm; rất nhiều người đã tìm gặp bà. BS Ngọc Phượng tâm sự: “Lo vì mình còn trẻ, chỉ mới 30 - 32 tuổi, khi chọn ở lại chưa biết có làm được gì cho đất nước không, rồi nói trước sợ bước không qua... Nhưng lại nghĩ, mình là bác sĩ thì cứ làm tốt chuyên môn, chăm sóc tốt cho bệnh nhân, có sao nói vậy"…
Việc tự chọn ở lại đất nước của người mẹ đang có có 3 con nhỏ như GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng thật không hề đơn giản, vì lo cho mình thì ít mà lo cho con cái cần nhiều hơn. Lúc đó, anh chị em trong nhà cũng khuyên mẹ con BS Phượng nên ở lại nhưng khoảnh khắc quyết định lại đến từ một buổi bà giảng dạy sinh viên năm thứ 4 tại giảng đường lớn Trường Đại học Y Dược Thành phố.
“Tôi nhớ hôm đó mình giảng bài “Nhau bong non”, mà một trong những nguyên nhân là sản phụ bị ngã. Để sinh viên dễ nhớ, tôi ví von: “Sau này khám cho bà bầu, các em nhớ dặn “cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh đừng có đi”. Các sinh viên hỏi lại cô giáo: “Cô ơi, vậy cầu ván đóng đinh là đi được hả cô?”. Lúc đó, nhìn những ánh mắt hồn nhiên, trong trẻo của các em, tim tôi rung động. Tôi chợt nghĩ mình qua Pháp thì vẫn sẽ làm đúng nghề được đào tạo, vì đã có bằng cấp quốc tế, vẫn có học trò nhưng để có một tình tự dân tộc như thế này thì không thể. Vậy là sau giờ giảng, tôi đạp xe đến Sở Ngoại vụ Thành phố, trả lại 4 passport, chọn ở lại” - BS Phượng chia sẻ.
Một tài năng đã cứu biết bao cuộc đời người bệnh tại Bệnh viện Từ Dũ
Chọn con đường không sang Pháp mà ở lại, công việc và cuộc sống gặp không ít khó khăn, lại nhớ tới lời người chồng về viễn cảnh tương lai, học hành của các con, nhiều đêm GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng mất ngủ. Song, bà tự nhủ: “Cứ nhắm con đường duy nhất để đi, đó là chăm lo cho bệnh nhân, hết lòng vì người bệnh. Học hành của con cái rồi sẽ ổn".
Hằng ngày đến giảng đường, BS Ngọc Phượng mang kiến thức, kinh nghiệm của mình truyền đạt cho sinh viên. Lúc rảnh rỗi, bà lại đi làm từ thiện. Những chuyến đi đến các bản làng xa xôi ở Tây Nguyên, chứng kiến nhiều bà mẹ trẻ tử vong vì sinh khó, để lại những đứa trẻ bé xíu, miệng còn khát sữa… bà đã bật khóc.
Trải qua nhiều khó khăn, từ năm 1992, chương trình “Cô đỡ thôn, bản” chính thức hoạt động, với khoảng 20 cô đỡ từ tỉnh Bình Phước, được đưa về TP. Hồ Chí Minh huấn luyện trong 6 tháng. Từ chỗ không biết xem đồng hồ, không biết tính toán giờ nở cổ tử cung của sản phụ… các cô đều đã hoàn thành tốt, nắm vững các kỹ năng đở đẻ sau khóa huấn luyện. Về bản làng, các cô mang kiến thức đã học áp dụng, đỡ đẻ thành công nhiều ca khó.
“Chương trình hiệu quả nên kinh phí cũng bắt đầu được tăng. Từ năm 1997, mỗi đợt chúng tôi huấn luyện 50 - 60 cô đỡ. Đến năm 2013, “Cô đỡ thôn, bản” chính thức được công nhận là một chức danh trong ngành y. Qua nhiều năm thực hiện, đến nay, gần 1.500 cô đỡ đã làm việc tại 20 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên… Nhiều cô đỡ đã vào trạm y tế xã làm việc, là đảng viên, cán bộ xã… có tâm huyết”- BS Phượng hào hứng.
Sau 25 năm, chọn ở lại với quyết tâm cống hiến cho ngành y, GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã chứng minh con đường mình chọn là đúng đắn, khi bà về Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ. Mà chính bà cùng cô con gái ruột đã giúp hàng trăm cặp vợ chồng hiếm muộn có con nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm mà bà đích thân đi học, mua máy móc và mang về dùng tại Việt Nam.

GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, BS Vương Ngọc Lan gặp gỡ bạn Lưu Tuyết Trân, một trong 03 em bé được ra đời
nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, vào ngày 30/4/1998, kỹ thuật sinh sản do BS Ngọc Phượng
dày công nghiên cứu và áp dụng tại Bệnh viện Từ Dũ. (Nguồn: Báo Tin tức)
Như vậy, qua 50 năm trong nghề Y, xác định con đường mà BS Phượng đã chọn đơm đầy hoa thơm quả ngọt, giúp bao gia đình hiếm muộn có con. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật như thụ tinh trong ống nghiệm, phát hiện sớm điều trị ung thư cổ tử cung… mà bà dày công nghiên cứu được áp dụng hiệu quả. Hơn hết, đó là những giá trị nhân văn, nhân đạo lan tỏa của nữ bác sĩ này trong hơn 50 năm phục vụ ngành y. Cũng từ đây, bà tham gia Quốc hội và nhiều khóa liền là Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội.
Nói về GS-BS Ngọc Phượng, có ai ngờ rằng sau 50 năm trong nghề Y, bà đã trưởng thành với tài năng, đức độ song toàn. Trong công tác Mặt trận, bà có nhiều năm là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hồ Chí Minh, tham gia vận động và tác nghiệp trên cương vị một thầy thuốc, là người đã giúp đỡ hàng ngàn người vượt qua cửa ải khó khăn...
Nhân kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3, xin chúc GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người đã có trên 50 năm hành nghề, luôn tâm niệm và thực hành lời dạy của Bác Hồ: “Lương y như từ mẫu”, từng vượt qua nhiều cửa ải không đi xuất cảnh, để đến với những người bệnh nghèo, giúp đỡ họ an lành trên khắp mọi miền của đất nước…