Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư là nét đẹp văn hóa bao đời nay của dân tộc ta, tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn có nhau” để nói đến tầm quan trọng cũng như giá trị cao đẹp của làng xóm trong cuộc sống thường ngày giữa người với người; nhất là đối với những vùng nông thôn, nét đẹp văn hóa này biểu hiện sinh động hơn, tuy nghèo về vật chất, nhưng cái tình, cái nghĩa lại đầy ắp trong từng con người, làng xóm Việt Nam. Những nét đẹp văn hóa kể trên trước đây luôn có sẵn tại các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, cùng với quá trình đô thị hóa, đặc biệt là đô thị hiện đại như TP.HCM hiện nay, nét đẹp đó dần bị phai nhạt.
Từ xa xưa, ông cha ta đã từng dạy: “Bán bà con xa mua láng giềng gần”. Điều này cho thấy người dân Việt Nam luôn tìm không gian sinh tồn và đã cộng cư với nhau, tình làng nghĩa xóm được duy trì, gắn kết để giữ gìn sự bình yên cho mọi người, mọi nhà. Nói đến hàng xóm, người dân Việt Nam ta rất coi trọng, bởi họ là những người ở gần với nhau. Họ có thể chia sẻ, giúp đỡ chính mình và không dừng lại ở đó mình cũng đi giúp đỡ chính họ. Khi một nhà có chuyện hữu sự, cả xóm cũng lo lắng và đồng cảm cho nhà người đó. Chính những cái nắm tay, những ánh mắt trìu mến của những người hàng xóm chính là động lực để giúp cho gia đình không may gặp chuyện thêm ấm lòng hơn.
Ngày nay, truyền thống tốt đẹp ấy vẫn đang được phát huy và nhân rộng thông qua những mô hình sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội quận, phường trên địa bàn Phú Nhuận vào dịp tết Nguyên đán hàng năm đã được duy trì trong khoảng 27 năm qua và trở thành một hoạt động thường niên trong đó cấp ủy, các tổ chức tại khu phố đặc biệt là Ban công tác Mặt trận, tổ dân phố với vai trò nòng cốt đã cố gắng duy trì, khơi dậy tình làng, nghĩa xóm với việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết, “Bữa cơm đoàn kết”… Qua đó, là dịp gần gũi với Nhân dân, nhất là nắm bắt kịp thời, thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của người dân và như vậy, các cuộc vận động của MTTQ, các chương trình hoạt động nói chung của phường, quận, thành phố sẽ nhanh chóng đến với người dân và được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đó chính là nền tảng tạo nên sự yên bình, đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân.

Ngày hội tình làng nghĩa xóm dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại khu phố 2, phường 9
Để giữ gìn và phát huy tình làng, nghĩa xóm, trước hết, bản thân mỗi người, mỗi gia đình cần quan tâm, tạo mối quan hệ gắn bó, mật thiết với bà con lối xóm, sẵn sàng hưởng ứng, tham gia các hoạt động chung của tổ dân phố, khu phố.
Tình làng nghĩa xóm ngày nay không chỉ là tình cảm của những người cùng chung sống trong một địa bàn gần nhau, mà còn cần được phát huy và phát triển cao hơn thành sự đoàn kết để tạo nên sức mạnh vì các công việc chung của địa phương.

Một hoạt động trong Ngày hội tình làng nghĩa xóm.
Thông qua mô hình này tình làng nghĩa xóm được tiếp tục khơi dậy, đồng lòng bàn bạc, chung tay hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm lan tỏa tinh thần "nhường cơm, sẻ áo"; xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, nghĩa tình, tự quản và còn là nơi tập hợp, lắng nghe và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; cùng nhau xây dựng khu phố xanh - sạch - đẹp trong từng hộ, từng con hẻm, đường phố; không có tệ nạn xã hội, không có người vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng TP.HCM và địa phương ngày càng có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Buổi họp mặt tất niên dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.