Thực hiện Kế hoạch liên tịch số 364/KHLT-UBND-UBMTTQVN ngày 17 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân và Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 1 về tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam” trên địa bàn Quận 1 đến năm 2025, tại Thánh đường Hồi giáo Jamiul Islamiyah - 459 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, Quận 1 đã diễn ra lễ ra mắt không gian văn hóa, bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của người Chăm. Tham dự có Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó bí thư thường trực Quận ủy Quận 1; Bà Nguyễn Trung Châu Tuyên, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 1; Bà Phạm Thị Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 1; Ông Vũ Đình Trung, Bí thư Đảng ủy phường cùng cấp ủy Chi bộ; Trưởng, Phó Khu Phố; Ban Công tác Mặt trận 6 Khu phố, và các chức sắc, chức việc các cơ sở tôn giáo; các ông bà đại diện các tổ chức chính trị - xã hội và đồng bào dân tộc Chăm, tín đồ hồi giáo đến tham dự.

Lễ cắt băng khánh thành ra mắt không gian
Trang phục của người Chăm Islam là một sự tổng hợp khá phức tạp bởi nhiều yếu tố mà chủ yếu là sự kế thừa yếu tố cổ truyền của dân tộc gốc ở trung bộ cùng với những yếu tố riêng mang tính chất địa phương cư trú vùng Đồng bằng sông Cửu Long, và mang đậm dấu ấn Hồi giáo. Một bộ y phục của phụ nữ Chăm gồm: khăn đội đầu, áo và váy; bộ thường phục của nam giới gồm: mũ, áo, và xà rông. Trang phục của người Chăm Islam, đối với nữ không thể thiếu chiếc khăn đội đầu hay còn gọi là “khănh pum”. Chiếc “khănh pum” có thể là khăn hình chữ nhật, hình vuông hay hình tam giác thường được làm bằng vải mịn, mỏng, màu trắng hoặc màu đen, đôi khi là màu nhạt khác thêu viền quanh bằng họa tiết “hoa dây leo” bằng chỉ màu. Trên đầu của người Chăm Islam, đối với nam không thể thiếu là mũ (nón lễ). Trước kia loại mũ phổ biến nhất là “Kapeak” được nhập từ tín đồ Islam Malaysia và Indonesia bằng nỉ hoặc bằng nhung đen. Nhưng hiện nay, loại mũ người Chăm Islam ưu chuộng đó là mũ tròn, đội úp chụp vừa vặn trên đỉnh đầu, được móc bằng chỉ trắng hay may bằng vải trắng. Đội “Kapeak” chứng tỏ sự tươm tất, trong sạch, lịch sự. Có thể thấy văn hóa của người Chăm có nhiều giá trị độc đáo, có khả năng thu hút khách du lịch. Cộng đồng Chăm với những làng nghề dệt nổi tiếng; các thánh đường có kiến trúc đặc biệt; cách thức ăn uống cùng với những món ăn được chế biến phù hợp với môi trường sống cũng như tuân theo quy định ẩm thực của tôn giáo Hồi giáo (rất phù hợp để phục vụ khách du lịch theo tôn giáo Hồi giáo); trang phục của người Chăm kín đáo và thể hiện rõ sự khéo léo trong may mặc của phụ nữ Chăm; hôn nhân và lễ hội Chăm chứa đựng nhiều yếu tố tôn giáo Islam mang tính khép kín trong cộng đồng đã thu hút sự quan tâm và tìm hiểu của du khách.

Trang phục dân tộc và các dụng cụ sinh hoạt của người Chăm (Trống Rabana, Tuk saji, tấm thảm để làm lễ, thố cơm)
Tham dự lễ ra mắt không gian bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của người Chăm, chị Saphiah cư ngụ tại phường Cầu Kho cũng là đoàn viên, hội viên tiêu biểu của phường đã phát biểu cảm nghĩ “Em và các anh chị cô chú người Chăm nơi đây sau khi được nghe và chiêm ngưỡng về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình thì rất vui và hạnh phúc vì không gian bảo tồn đã góp phần nào đó cho người dân biết nhiều hơn về nét đẹp, độc đáo của trang phục Chăm. Không gian bảo tồn được tổ chức xây dựng ở Thánh đường Jamiul Islamiyah cũng là điều vinh hạnh lớn nhất của cộng đồng hồi giáo islam nancy”.

Chị Saphiah (thứ 2 bên trái) cùng gia đình tham dự lễ tại Thánh đường Jamiul Islamiyah
Không gian bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của người Chăm tại Thánh đường Hồi giáo Jamiul Islamiyah - 459 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, Quận 1 đã góp phần vào việc giữ gìn và bảo tồn trang phục truyền thống bản sắc của dân tộc Chăm; góp phần quảng bá hình ảnh bộ trang phục dân tộc đến gần hơn với du khách, đồng thời để đồng bào ý thức hơn trong việc giữ gìn trang phục dân tộc của dân tộc mình.