Tháng Tám mùa thu 1945 và giành chính quyền tại Sài Gòn

Toànbộ chính quyền đã về tay nhân dân Sài Gòn và Nam bộ

       Rạng sáng ngày 25 tháng 8, thành phố Sài Gòn là một biển người, với cờ, khẩu hiệu, băngrôn...  Cuộc biểu tình lớn có mặt đủ các lứa tuổi già trẻ, thiếu nhi, nam nữ không phân biệt tầng lớp giai cấp: công nhân, lao động, nông dân, nhân sĩ trí thức, tôn giáo, người Việt Nam, người Hoa, có cả người Pháp thuộc Đảng Cộng sản hoặc thuộc phe Ch.de Gaulle. 8 giờ sáng 25/8/1945, đoàn biểu tình dẫn đầu là các ủy viên trong Xứ ủy Nam Kỳ, Kỳ bộ Việt Minh, Ủy ban khởi nghĩa, đại biểu các đảng phái, tôn giáo... từ Tổng hành dinh của Ủy ban khởi nghĩa (số 6 Colombert nay là đường Alexandre de Rhodes, cơ quan Sở ngoại vụ thành phố) ( kéo đến Dinh đốc lý Sài Gòn (nay là khu nhà Ủy ban Nhân dân thành phố).

      Khi chưa mất, có lần GS Trần Văn Giàu, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, trong lần góp ý cho công trình “Nam bộ Kháng chiến 1930-1975” của UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam- TP.Hồ Chí Minh, trong phần Mặt trận Dân tộc thống nhất Sài Gòn - Gia Định – TP.Hồ Chí Minh, cho biết: trưa ngày 25-8-1945, khoảng 10 giờ, đoàn biểu tình tập hợp trước Dinh đốc lý và tràn ngập các đường trong trung tâm thành phố đến cột cờ Thủ Ngữ, chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Dinh Toàn quyền, Sở Thú... Ra trước ban công Dinh đốc lý, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thay mặt Kỳ bộ Việt Minh Nam Bộ đọc ba lần danh sách Lâm ủy Hành chánh Nam Bộ do Trần Văn Giàu làm Chủ tịch, được đồng bào vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Lâm ủy hành chánh Nam Bộ gồm: Chủ tịch Trần Văn Giàu, Ủy trưởng Nội vụ Nguyễn Văn Tạo, Ủy trưởng Tài chánh Nguyễn Phi Hoanh, Ủy trưởng Ngoại giao Phạm Ngọc Thạch, Ủy trưởng Lao động Hoàng Đôn Văn, Ủy trưởng Quốc gia tự vệ cuộc Dương Bạch Mai, Thanh tra Chính trị Nguyễn Thanh Sơn (Nguyễn Văn Tây), Ủy trưởng Kinh tế Ngô Tấn Nhơn, Ủy trưởng Tuyên truyền và Thanh niên Huỳnh Văn Tiểng.

      Thay mặt Lâm ủy hành chánh Nam Bộ, Chủ tịch Trần Văn Giàu tuyên bố: Nước ta hôm nay bắt đầu thực hiện nền độc lập, chế độ cộng hòa dân chủ được thành lập tại Nam Bộ, kêu gọi toàn dân quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do. Tiếp theo, đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn, đại diện Xứ ủy Nam Kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương kêu gọi hết thảy anh em thợ thuyền, nông dân, thanh niên, binh lính và các giới đồng bào... đem toàn lực ủng hộ Lâm ủy hành chánh Nam Bộ đương thực hiện một nước Việt Nam độc lập, dân chủ và làm cho người Việt Nam được tự do.

      Mít tinh lớn sáng 2 tháng 9 tại Sài Gòn ủng hộ chính quyền cách mạng

      Cuộc mít tinh lớn nổ ra từ sáng ngày 2 - 9 của 78 năm về trước. Tại đây nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn & nhiều tỉnh Nam bộ kéo cờ đỏ Sao vàng, nhạc công đánh bài Quốc tế ca, Quốc ca vang dội cả vùng rộng lớn. Những khẩu hiệu cuộc mittinh đã vang rộng vùng trung tâm Sài Gòn, tạo một khí thế khắp Sài Gòn, lan truyền rộng trong nhân dân vùng Nam bộ:

     “Độc lập hay là chết”/ “Việt Nam độc lập muôn năm”/“Chính quyền về tay nhân dân”… 

      Mở đầu buổi lễ Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Ủy viên Lâm ủy Hành chánh Nam bộ bày tỏ lòng trung thành & đi theo Chương trình của Mặt trận Việt Minh. Chủ tịch Lâm ủy Hành chánh Nam bộ Trần văn Giàu đọc diễn văn kêu gọi nhân dân Nam bộ siết chặt hàng ngũ, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập.

     Tại cuộc mít tinh lớn này, lời thề của nhân dân Sài Gòn & Nam bộ trong ngày lễ Độc lập tại Sài Gòn đã được đồng chí Nguyễn Lưu, thay mặt cho Lâm ủy Hành chánh Nam bộ đọc to, nói rõ nội dung, quyết tâm của nhân dân Sài Gòn:

    “Chúng tôi, toàn thể nhân dân Việt Nam, xin kiên quyết một lòng ủng hộ Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu người Pháp đến xâm lược lần nữa, thì chúng tôi quyết:

      Không đi lính cho Pháp/ Không làm việc cho Pháp

      Không bán lương thực cho Pháp/ Không dẫn đường cho Pháp.

      Xin thề!

     Thay mặt Lâm ủy Hành chánh Nam bộ, Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu tuyên bố trước nhân dân Sài Gòn và  Nam bộ và sau này bài tuyên bố của ông Trần Văn Giàu trở thành một diễn văn hết sức đặc biệt trong ngày độc lập của nhân dân Sài Gòn và Nam bộ, trong giờ phút lịch sử đó. Đúng sáng ngày 2 tháng 9 năm 1945 nhân dân Nam Bộ đã nghe một giọng nói Nam bộ rắn rõi, trẻ trung của một Chủ tịch Ủy ban Lâm ủy Hành chánh Nam bộ phát lên ngân vang cả Quảng trường Norodom: 

                                                   “Hỡi quốc dân!

                                         Hỡi đồng bào tận tâm cứu nước,

                                Việt Nam từ một xứ thuộc địa đã trở thành một xứ độc lập.

                    Việt Nam từ một đế chế đã trở thành một nước dân chủ cộng hòa.

               VN đương tiến bước trên đường sống, sống danh dự với hoàn cầu”.

(Trích phát biểu của đồng chí Trần Văn Giàu với đồng bào Sài Gòn ngày 2-9-1945).

 

      Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trọn vẹn thành công ở Sài Gòn, tỉnh Chợ Lớn, Tân An, Vĩnh Long, Cần Thơ… cùng các tỉnh Nam Bộ mà không đổ máu, các nơi đã giữ nguyên được ở các thành phố, tỉnh lỵ là những sáng tạo của người Cộng sản, những trí thức, nhân sỹ và công lao to lớn của nhân dân Sài Gòn và Nam Bộ .hành đồng.

      Ý nghĩa quan trọng nhất của Cách mạng Tháng Tám, là với thắng lợi từ sức mạnh của nhân dân đã lấy trọn chính quyền từ tay người Nhật là sức mạnh từ truyền thống quật cường, ý chí bất khuất, lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam đã kết tinh làm nên sức mạnh vĩ đại không một kẻ thù nào và thế lực nào kẻ địch ngăn cản nỗi.

      Cách mạng Tháng Tám đã đập tan ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, lật đổ chế độ quân chủ, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ công - nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

      Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Đảng Cộng sản Việt Nam, người đại biểu cho lợi ích dân tộc để tiếp tục đi tiếp những chặng đường vẽ vang tiếp theo của dân tộc ta để có như hôm nay. Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của Chủ nghĩa Mác-Lênin tại một nước thuộc địa, nữa phong kiến cả 80 năm. Với thắng lợi này, Việt Nam đã góp phần xương máu của mình vào cuộc đấu tranh chung đánh thắng hoàn toàn chủ nghĩa Phát xít toàn thế giới. 

       Như thế, với nhiều lực lượng cách mạng, mà những trí thức của Đảng ta đã đứng lên lãnh đạo phong trào tại Sài Gòn - Chợ Lớn. giành thắng lợi lớn và vẫn giữ nguyên vẹn thành phố là sức mạnh của ý chí đại đoàn kết toàn dân tộc khởi nguồn từ lòng yêu nước, đó là tinh thần bất khuất, sự hy sinh to lớn, giành chính quyền trọn vẹn về nhân dân. Ngày 2-9-1945 đã tạo nên thế và lực vô biên cho cách mạng ở Sài Gòn và Nam bộ, đi từ sức mạnh ý chí của những người con Nam bộ, đỉnh cao sáng ngời về tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh chiến thắng đi tới những ngày toàn thắng trong Tháng Tám mùa thu 1945./