Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thương binh và gia đình Liệt sĩ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Đối với Bác, đó là trách nhiệm là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”-Người cũng luôn luôn căn dặn, nhắc nhở Đảng, Chính phủ, chính quyền các cấp phải luôn chăm lo đời sống tinh thần, vật chất đối với những người có công với nước trong đó có thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ cho thật tốt trong điều kiện có thể.

Bác Hồ thăm một cơ sở điều trị cho thương, bệnh binh nặng tại Hà Nội

   Bác Hồ ghi ơn và trân trọng với thương binh, gia đình liệt sĩ

Trong thư gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng vừa có con trai hy sinh cho Tổ quốc, Bác Hồ viết: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột”.

Với đạo lý “Ăn quả nhớ người trồng cây”, từ năm 1946, Thủ đô Hà Nội đã tổ chức “Hội giúp binh sĩ bị thương” do Chủ tịch Hồ Chí Minh là Hội trưởng danh dự.

Mùa Đông năm ấy, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam đã tổ chức cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ”, khi đến dự lễ, Người đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng binh sĩ.

Ngày 10/3/1946, báo Cứu Quốc đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ. Trong thư có đoạn Người viết: “Tôi xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng”.

Tiếp sau đó, trong thư gửi đồng bào miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại viết: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào miền Nam, đã vì Tổ quốc mà hy sinh tính mệnh”.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã thu hút nhiều thanh niên nam nữ tham gia quân đội. Một số chiến sĩ đã hy sinh anh dũng, một số nữa là thương binh, bệnh binh, đời sống gặp nhiều khó khăn, mặc dầu anh chị em tình nguyện chịu đựng không kêu ca, phàn nàn.

Trước tình hình ấy, tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ chọn một ngày nào đó trong năm làm “Ngày Thương binh” để đồng bào ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh.

Hưởng ứng và đáp lại tấm lòng của Bác Hồ, một hội nghị trù bị đã khai mạc tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gồm có một số đại biểu ở Trung ương, khu và tỉnh. Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27-7 là “Ngày Thương binh toàn quốc”, sau đó đổi thành “Ngày Thương binh Liệt sĩ” và quyết định tổ chức ngay lần đầu trong năm 1947.

Tại cuộc mít tinh chiều 27-7-1947, Ban tổ chức đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang san, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị de dọa.

Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh”.

Theo Người: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.

Cùng với bức thư, Người đã gửi tặng một áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của Người và các nhân viên tại Phủ Chủ tịch. Từ lúc ấy cho đến năm 1954, năm nào cứ đến ngày 27-7, Người lại gửi thư và một tháng lương của mình tặng thương binh.

Trong một bài viết đăng trên báo Cứu Quốc năm 1946, Bác Hồ viết: “Tôi gửi lời chào thân ái các gia đình liệt sĩ và tôi nhận các con liệt sĩ làm con nuôi của tôi”.

Đối với người già, Bác Hồ khuyến khích thành lập “Hội mẹ chiến sĩ”, đối với thiếu niên thì Người hướng dẫn thành lập các “Đội Trần Quốc Toản”, để hàng ngày giúp các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Đối với chính quyền các địa phương, Người yêu cầu: “Đón thương binh về làng”, “giúp lâu dài chứ không phải chỉ giúp một thời gian”.

Sau đó, Bác Hồ cũng trực tiếp chỉ đạo Chính phủ ban hành chế độ “Hưu bổng thương tật” và “Tiền tuất cho thân nhân liệt sĩ”. Như vào ngày 17-7-1947, Bác Hồ đề nghị đồng bào cả nước (chỉ trừ các cụ già thượng thọ, các cháu sơ sinh, các chiến sĩ ở mặt trận, những người đau yếu) hãy nhịn ăn một bữa “để giúp đỡ chiến sĩ bị thương”.

Bác dặn rất rõ ràng: Tuyệt đối không cưỡng bức, tính sổ tập trung để phân phối cho khắp, ra sức tuyên truyền, giải thích... Bác làm trước mọi người và vận động cả cơ quan Phủ Chủ tịch cùng hưởng ứng và gửi số tiền đó ngay cho Ngày Thương binh toàn quốc.

Trong lời kêu gọi nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7-1948, sau khi phân tích sự tàn ác, nguy hại và mất mác của nạn giặc ngoại xâm, Bác Hồ khẳng định: “Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta đã dũng cảm xông ra mặt trận.

Theo Người, “những người quyết tâm đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hy sinh tính mệnh để giữ tính mệnh đồng bào. Họ quyết hy sinh gia đình và tài sản họ để bảo vệ gia đình và tài sản đồng bào”.

“Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của chúng ta. Trong đó có người đã bỏ lại một phần thân thể ở mặt trận, có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ...”.

Song những hy sinh, mất mát đó không uổng phí, mà Bác Hồ nhắc nhở: “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. “Cho nên, đối với “những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”.

Và “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại”.

Hai năm sau đó, vào ngày 27-7-1949, Bác chỉ đạo Bộ Thương binh- Cựu binh không tổ chức lạc quyên “nhưng bộ vẫn trông mong và hoan nghênh đồng bào tùy hoàn cảnh mà gửi thư tặng quà hoặc quyên giúp”. Bác làm gương bằng cách gửi tặng một tháng lương của Bác. Nhiều năm sau Bác vẫn tiếp tục dành một tháng lương để góp vào quỹ thương binh, liệt sĩ”.

Trong Di chúc thiêng liêng để lại cho Đảng, Nhà nước, cho dân, Bác viết: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.

Đối với các liệt sĩ thì mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.

Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ), thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền xã cùng HTX nông nghiệp phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”. (Bản Di chúc đánh máy năm 1968, 1969).

    Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh luôn làm theo di huấn mà Người dạy bảo

Tại TP.Hồ Chí Minh, theo Sở Lao động, thương binh và xã hội, hiện đang có 271.129 người có công cách mạng và thân nhân đang hưởng chính sách theo Pháp lệnh “Ưu đãi người có công”. Trong số đó, có 50.160 liệt sĩ, 5.184 Mẹ Việt Nam Anh hùng (có 280 mẹ còn sống), 26.174 thương binh, 3.549 bệnh binh, 5.780 người hoạt động kháng chiến và con đẻ họ bị nhiễm chất độc hóa học, 10.302 người hoạt động cách mạng bị địch bắt, tù đày; 26.109 người có công giúp đỡ cách mạng mà Thành phố đang thực hiện các chính sách đó.  

Từ nhiều năm nay, theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố đã triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện, kêu gọi, vận động các đơn vị, cá nhân nâng mức phụng dưỡng cho tất cả các Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, với mức ít nhất 2-3 triệu đồng/Mẹ/tháng, có huyện 5 triệu đồng/tháng.  Bên cạnh đó, từ năm 2001 và nhiều năm sau, Ban Thường trực UB MTTQ Việt Nam thành phố đã vận động các đơn vị thăm tặng quà và phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng tại 2 tỉnh Quảng Nam và Bến Tre nhân dịp Tết Nguyên đán và Kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7. Trong năm 2021 và hiện nay, các cấp ủy Đảng thuộc Đảng bộ TPHCM vẫn không ngừng chăm sóc tốt nhất trong mọi điều kiện, đó là: tất cả các Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, trên 220 Mẹ tiếp tục được phụng dưỡng đến suốt đời, 26.174 thương binh, 3.549 bệnh binh, 5.780 người hoạt động kháng chiến tiếp tục được Thành phố chăm sóc mọi cách, như giúp vốn ưu đãi cho các gia đình thương, bệnh binh, tạo điều kiện cho con em thương, bệnh binh có việc làm hay đi xuất khẩu lao động, tu sửa, kể cả xây dựng mới khang trang nhà tình nghĩa, nhà tình thương đã xuống cấp qua thời gian do nhà xuống cấp.

Tính ra, mỗi năm kinh phí ngân sách TP.Hồ Chí Minh đã chi thêm từ trên 2000 tỷ đồng (ngoài phần chính sách Trung ương) để Thành phố đến thăm, tặng các suất quà nhân ngày 27-7, cũng như các dịp Lễ, Tết …Đồng thời, lãnh đạo Thành phố và 21 quận, huyện, TP Thủ Đức đã thay phiên nhau tùy từng đợt đến thăm các Mẹ VN Anh hùng, các anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh nặng trên địa bàn.

Đồng thời, đối với chủ trương cao cả này, Thành phố tăng mức hỗ trợ sinh hoạt cho các đối tượng chính sách có công đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè (thuộc Sở Lao động, Thương binh và xã hội quản lý); trợ cấp thêm cho những thương binh nặng ¼ và thương, bệnh binh mất sức trên 61%.… Chính sách xã hội hóa “Toàn dân chăm sóc người có công” của Thành ủy Thành phố đã hỗ trợ giúp các gia đình chính sách, người có công có điều kiện trong cải thiện thêm đời sống trên nhiều mặt.

   Với việc phong tặng, truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, tính từ khi thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công 2013 (bổ sung) Thành ủy cùng 21 quận - huyện ủy, Thành ủy Thủ Đức, các cấp chính quyền đã hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng, truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho 2.976 mẹ, nâng tổng số Mẹ Việt Nam Anh hùng toàn thành phố lên 5.184 mẹ; Cùng với đó, là xác nhận và giải quyết trợ cấp cho 1.806 người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ; làm xong thủ tục cho 68.146 người thoát ly hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc để được tặng thưởng Huân, Huy chương, để ghi nhận công lao đóng góp của họ.  

    76 năm Ngày thương binh và liệt sĩ, thực hiện theo những lời căn dặn, nhắc nhở của Bác Hồ, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TPHCM đã luôn coi trọng và đền đáp công ơn với các thương binh và gia đình liệt sĩ trên địa bàn Thành phố, coi đó là trách nhiệm, lương tâm và nghĩa cả mà Nhân dân toàn Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh đều thực hiện chu đáo./.                 

                                                                                                                                                                         Phạm Bá Nhiễu