Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên đến với luận cương của Lênin

      Trên bước đường tìm đường cứu nước, kể từ sáng ngày 5-6-1911 khi Người tạm biệt đất nước ra đi, trên con tàu Admiral Latouche-Tréville, từ cảng Sài Gòn, sau đó cũng như nhiều con tàu khác, đã đưa Người đến với nhiều đất nước 5 châu & tại nước Pháp, một trong những mốc trên con đường đó, là ngày 17-7-19209(1) Người đã được đọc bản “Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin.

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh quyết tâm thực hiện con đường cách mạng giải phóng dân tộc theo Chủ nghĩa Lênin
(Ảnh tư liệu)

  Luận cương của thế kỷ XX để Người tìm ra chân lý giải phóng dân tộc

   Sau gần 10 năm trời đi khắp 4 biển, 5 châu, Người trở lại nước Pháp từ sau thế chiến thứ Nhất, năm 1918, và trong những năm này Nguyễn Ái Quốc đã phải làm đủ mọi nghề để kiếm sống tại thủ đô Paris hoa lệ. Nhưng một trong những điều Người làm thành công nhất trong những năm này, là một người làm báo, viết báo, phản ánh chân thực nhất mọi điều về Đông Dương thuộc Pháp của đế chế nước Pháp.

   Trước ngày 17-5-1920, Nguyễn Ái Quốc dự cuộc họp với một nhóm người của Việt Nam tổ chức tại 59 Ter phố Bônapác, nơi ở của Đốc Phủ Bảy. Dự cuộc họp có Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Trần Xuân Hồ. Nguyễn Ái Quốc không phát biểu gì trong cuộc họp mà chỉ chăm chú nghe tranh luận vệ dự định ngày Quốc khánh tương lai của Việt Nam. Trước ngày này, Nguyễn Ái Quốc đã viết xong bản thảo cuốn “Những người bị áp bức” cho Mácxen - một người bạn của Người, nhờ đặt đề tựa.     

    Như vậy, chặng đường gần 10 năm liền Người thanh niên Nguyễn Tất Thành bắt đầu thực hiện cuộc hành trình vòng quanh thế giới, và Người đã đến với nhân dân lao động các nước tư bản phát triển, nhiều thời gian nhất là tìm hiểu người lao động ở Pháp, nhất là các nước trong hệ thống thuộc địa của Pháp tại khắp nhiều quốc gia châu Á, Phi, MỹLatinh... Những năm tháng này, đầu tiên Người hoạt động ở Pháp (1911), rồi qua một loạt các nước ở châu Phi (cuối 1911-1912) tới nước Mỹ (tháng 12-1912) đến Anh quốc (1914-1917) và nhiều nước thuộc địa Pháp, cho đến khi chiến tranh thế giới thứ Nhất bùng nổ (1914-1918), từ năm 1918, Người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quay trở lại Pháp và gia nhập Đảng Xã hội Pháp, với tên gọi là Nguyễn Ái Quốc – như trong các tác phẩm báo chí của Người đứng tên. Song con đường chính đáng nhất là theo Người phải tìm hiểu là từ đâu? Vẫn còn là dấu hỏi chưa có thể có câu trả lời.

     Luận cương của Lênin đầu tiên Người được tiếp cận
 
    Nhà thơ Chế Lan Viên, trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước” đã khắc họa đầy đủ về tâm trạng, hình ảnh của Người hơn 110 năm trước, mà : “Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi;  “Những đất tự do, những trời nô lệ”. 

     Sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc, ngày 18-6-1919, đại biểu các nước đế quốc tham chiến họp Hội nghị ở Vécxây (Pháp). Thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường thảo ra bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi tới Hội nghị Vécxây (ký tên Nguyễn Ái Quốc).

     Ngày 16 và 17-7-1920, báo Nhân đạo (L’Humanite) của Đảng Xã hội Pháp đăng toàn văn “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin. Người đọc, nghiên cứu bản Luận cương và Người đã tìm thấy ở đó con đường giải phóng dân tộc. Người đã thốt lên: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!” (2) Bản Luận cương với nhan đề: “Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa”, của VI. Lênin, đã khẳng định lập trường kiên quyết của Quốc tế cộng sản ủng hộ lập trường của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước châu Á, và phương Đông. Luận cương của LêNin đã chỉ cho Người con đường đúng đắn nhất mà phương Đông và Tổ quốc Người đang cần đến, là giành độc lập cho dân tộc và tự do cho nhân dân, đồng bào yêu quý của Người.

     Luận cương của Lênin đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc vấn đề cơ bản nhất về con đường giành độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào - điều mà chính Người đang tìm kiếm cho cả dân tộc ta, với những điều cơ bản nhất, mà Người đang tìm & đã tìm đến:

    + Tư tưởng về quyền bình đẳng giữa các dân tộc trong Sơ thảo luận cương của Lênin làm nền tảng hình thành chân lý bất hủ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

     + Tư tưởng về giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trong Sơ thảo luận cương của Lênin làm tiền đề để Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thiện lý luận về con đường cứu nước. 12 luận điểm trong Sơ thảo luận cương của V.I.Lênin đã giải quyết các vấn đề về dân tộc và thuộc địa của cách mạng vô sản như: phân biệt lợi ích của các giai cấp bị áp bức, bóc lột với lợi ích của giai cấp thống trị; phân biệt quyền lợi của dân tộc bị áp bức với quyền lợi của các lực lượng đi áp bức; gắn kết phong trào công nhân với phong trào giải phóng dân tộc, gắn kết phong trào dân tộc với cách mạng thế giới; tư tưởng về giải phóng dân tộc khỏi nô dịch, xâm lược của các dân tộc, thuộc địa, phụ thuộc.

    Sau khi tiếp cận Luận cương, Nguyễn Ái Quốc đã viết nhiều tác phẩm về Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga, ca ngợi thiên tài và tấm gương đạo đức cách mạng cao cả của Lênin. Người đã cùng các đồng chí của mình trong Đảng Xã hội Pháp bỏ phiếu tán thành Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản), trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

       Tại các diễn đàn quốc tế sau sự kiện này, như: Đại hội I Quốc tế Nông dân (tháng 10-1923), Đại hội V Quốc tế Cộng sản (tháng 7-1924), Đại hội III Quốc tế Công hội đỏ (tháng 7-1924)… Nguyễn Ái Quốc đều dự & đã nói lên tiếng nói chính thức của nhân dân thuộc địa, bảo vệ luận điểm đúng đắn của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, tuyên truyền những tư tưởng cách mạng trên lập trường mácxít.

     Đúng như tấm lòng mà các thế hệ sau, như nhà thơ Chế Lan Viên đã nói thay lời, đến khi Người tìm thấy: “Hình của Đảng lồng trong hình của Nước”, “Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc”... Để rồi Người mang ánh sáng Lênin về trên đất Việt, Người đã trực tiếp lãnh đạo Nhân dân ta đầu Xuân 1941, làm nên Cách mạng Tháng Tám (năm 1945), lấy lại “hình của Nước” - tên gọi Việt Nam thiêng liêng trên bản đồ thế giới sau ngày 2-9-1945, mà toàn nhân loại không thể không biết công lao to lớn nhất sau 30 năm Người đã ra đi & tìm ra hình hài của đất nước Việt Nam ta./.  
                                                                                                                                                                              Thạc sĩ Phạm Bá Nhiễu

 

(1)- Hồ Chí Minh biên niên Tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1994, trang 82.

(2)- Hồ Chí Minh toàn tâp, Tập 12, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 562