Hàng năm, vào các ngày từ 13,14,15 tháng tư là ngày Tết Chol Chnam Thmay của nhân dân Campuchia, Tết Bun Pi Mây của nhân dân Lào, Tết Thing Yan của nhân dân Myanmar và Tết Trut Sonkran của nhân dân Thái Lan.

Với vai trò là một chức sắc lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam và là Phó Chủ Tịch Ban chấp hành Hội Hữu Nghị Việt Nam – Campuchia, Phó Chủ Tịch Hội Hữu Nghị Việt - Lào TP.HCM, Phó Chủ Tịch Hội Hữu Nghị Việt - Thái TP.HCM; Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Trụ trì chỉ đạo chi hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tại chùa Phổ Minh phối hợp cùng Liên Hiệp tổ chức hữu nghị TPHCM, UB MTTQ Việt Nam Quận Gò Vấp, các hội hữu nghị: Việt Nam - Campuchia, Việt Nam -Lào, Việt Nam -Thái Lan, Vệt Nam - Đông Nam Á TPHCM, Thành Hội phật giáo TPHCM tổ chức lễ hội “Hòa nhập hoạt động Phật giáo quốc tế với tinh thần đại đoàn kết dân tộc”. nhân tết cổ truyền các nước Camphuchia - Lào - Myama-Thái Lan nhằm phát triển tình hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân và Phật tử các nước Việt Nam - Campuchia - Lào - Thái Lan & Myanmar.

Tại lễ hội có sự hiện diện của đại diện: Hội đồng Nhân dân Thành phố, Ban Đối ngoại kiều bào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, Ủy ban về người Việt Nam ở Nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, Cùng đại diện các cơ quan ban ngành đoàn thể, Ban Thường vụ, Ban chấp hành 4 Hội Hữu nghị, đại diện các Hội thành viên của Liên hiệp, cộng đồng Kiều bào, du học sinh, các Chi hội và các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Thành Phố.
Dự lễ hội có tổng lãnh sự Campuchia - Lào - Thái cùng các em hơn 50 em sinh viên Campuchia, Lào, Thái học tập tại TPHCM. Trưởng đại diện tổng cục du lịch Thái Lan tại TPHCM và nhiều viên chức các tổng lãnh sự quán, doanh nghiệp, sinh viên, sinh sống, học tập tại TPHCM tham dự.
Lễ hội đã giới thiệu đến đông đảo bà con Nhân dân trên địa bàn quận hiểu biết các phong tục truyền thống, văn hóa, các bài hát, điệu múa, ẩm thực của người dân các nước láng giềng có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời với dân tộc Việt Nam.


Như chúng ta đã biết, các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các quốc gia Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam có mối quan hệ thâm tình, hợp tác, hữu nghị rất tốt đẹp được vun bồi trong quá khứ, bồi dưỡng và phát triển như ngày hôm nay. Nhân dân các nước chúng ta luôn cùng nhau chia sẻ vui buồn trong cuộc sống, giúp nhau duy trì nền độc lập, hoà bình và xây dựng, phát triển đất nước. Bên cạnh đó, Phật giáo luôn luôn đồng hành cùng dân tộc các nước trong suốt chiều dài phát triển của mỗi quốc gia. Nhân dân các nước chúng ta luôn luôn thành tâm kính trọng và đặt niềm tin vào Đức Phật – Đấng Giác ngộ, Bậc Thắng trí của toàn nhân loại, hầu hết chúng ta đều là những Phật tử thuần thành của Phật giáo. Trong lễ hội đón mừng ngày Tết Cổ truyền, một tập quán hết sức cao quý và tốt đẹp là sự tổ chức trọng thể Lễ Tắm Phật, Ở một số quốc gia, sau khi tắm Phật xong, người ta còn dùng nước té lên thân mình thân bằng quyến thuộc, đồng nghiệp cho đến chí các bậc Chư Tăng. Để tỏ lòng tôn kính, người trẻ tuổi té nước những người lớn tuổi để chúc sống lâu và thịnh vượng. Bạn bè té nước vào nhau. Người ta không chỉ té nước vào người mà còn vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất. Người dân các nước chúng ta tin tưởng rằng nước – với sự tinh khiết và thiêng liêng của một vật chất không thể thiếu trong cuộc sống của con người cũng như một nguyên tố tất yếu của sự sống sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật, những điều ô nhiễm, cấu uế đã và đang hiện diện trong thân, tâm của mỗi chúng sanh, và cầu chúc năm mới sống lâu, sạch sẽ, mạnh khỏe. Ai bị ướt nhiều là hạnh phúc nhiều. Trước khi té nước cho nhau, người ta thường dành cho nhau những lời chúc tốt lành. Đặc biệt hơn nữa, tại các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanmar còn gìn giữ được truyền thống, tập quán văn hoá cột chỉ tay chúc mừng năm mới nhau trong tinh thần đoàn kết cao quý. Cầu mong những điều không vừa ý vừa lòng, những sự không vui, những điều oan trái giữa người này, người kia, thông qua sự đoàn kết, hoà hợp đó mà được hoá giải, cùng nhau bắt tay sống cuộc sống hoà bình, thương yêu, quý mến và trân trọng nhau – cũng không ngoài tinh thần “Đoàn kết – đoàn kết – đại đoàn kết, Thành công – thành công – đại thành công” mà Bác Hồ đã dạy./.
TẤN TÀI