Ông Trần Bửu Kiếm (bí danh Chín An) sinh ngày 02 tháng 3 năm 1920. Quê quán tại xã Thới Long, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ.

Thời học sinh, sinh viên
Khi nhỏ ông học tại Cần Thơ, đậu bằng Thành Chung, ông thi vào trường Petrus Ký tại Sài Gòn học ban Tú Tài; năm 1942, sau khi đậu Tú tài phần hai, ông ra Hà Nội học trường Đại học Luật. Ông gia nhập Tổng hội sinh viên Đông Dương; tham gia phong trào Truyền bá quốc ngữ, Truyền bá vệ sinh và cùng bạn học tổ chức những chuyến đi viếng các di tích lịch sử; tổ chức đến các trường trung học để nói về lịch sử, về truyền thống chống xâm lăng của tổ tiên. Những hoạt động này đã hun đúc lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người sinh viên Trần Bửu Kiếm.
Tham gia hoạt động cách mạng
Ông tiếp tục là một thành viên quan trọng của phong trào “Xếp bút nghiên”. Ông đảm nhiệm công tác tuyên truyền bí mật của Việt Minh và gây dựng cơ quan ấn loát bí mật; sau đó là thành viên Ban Tổ chức – tuyên truyền – cổ động của “Thanh niên Tiền Phong”. Khi nhóm “Xếp bút nghiên” thành lập Tân Dân chủ đoàn (sau gọi là Tân Dân chủ đảng), ông đảm nhiệm vị trí Ủy viên Thường trực Ban Chấp hành. Với tư cách cán bộ của Mặt trận Việt Minh, Thanh niên Tiền Phong, Tân Dân chủ đoàn, ông tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Việt Minh giành chính quyền thắng lợi ở Sài Gòn (Tháng 8/1945), lúc này ông là cán bộ của bộ phận thông tin – tuyên truyền, có nhiệm vụ chấn chỉnh, quản lý, phát triển các cơ sở tuyên truyền của địch để lại như: báo chí, thông tin, xuất bản, phát thanh.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược
Ông Trần Bửu Kiếm là Chủ bút của Báo “Kèn gọi lính” đã đăng tải Lời hiệu triệu của Chủ tịch Ủy Ban Kháng chiến Nam Bộ sau khi Pháp gây hấn đêm 23/9/1945. Sau đó, ông lập Đài liên lạc vô tuyến điện đầu tiên cho Nam Bộ, dùng liên lạc với Trung ương. Năm 1946, ông được bổ sung vào Ủy ban Hành chính Nam Bộ với chức vụ Ủy viên Thư ký.
Ông là Phó phái đoàn đại biểu Quân Dân Chính của Nam Bộ ra Việt Bắc báo cáo tình hình của Nam Bộ, trong các đề nghị chi viện cho Nam Bộ, phái đoàn yêu cầu Chính phủ Trung ương chi viện về công tác in và phát hành giấy bạc tại Nam Bộ. Theo đó, ông Trần Bửu Kiếm được giao nhiệm vụ quan trọng này, góp phần in tiền theo yêu cầu thực tế của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Tháng 12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, giương cao ngọn cờ chống Mỹ cứu nước, quy tụ nhiều đoàn thể xung quanh Mặt trận, ông Trần Bửu Kiếm là Chủ tịch Hội Liên hiệp Sinh viên – Học sinh Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tháng 02/1961, tại Đại hội lần 1, ông được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận.
Ông tham gia tiểu ban Phát thanh, phụ trách chương trình phát thanh tiếng Anh, tiếng Pháp của Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam; xuất bản bản tin bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, bài biên dịch chủ yếu từ bản tin của Thông tấn xã Giải phóng. Ông cũng tham gia huấn luyện anh văn cho cán bộ Binh vận Khu V, Khu VI và toàn Nam bộ. Thỉnh thoảng ông gửi bài bằng tiếng Pháp ra nước ngoài để nêu rõ tình hình Việt Nam và sự đấu tranh chính nghĩa của nhân dân miền Nam Việt Nam, của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Với cương vị Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại của Mặt trận, ông tiếp xúc bằng tiếng Anh với các nhà báo, cung cấp một số tài liệu của Hoa Kỳ mà lực lượng vũ trang Giải phóng thu được trên chiến trường, cử cán bộ hỗ trợ các nhà báo nước ngoài thăm vùng Giải phóng.
Ngày 16/12/1968, ông Trần Bửu Kiếm, Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam làm trưởng đoàn đến hội nghị đàm phán Paris. Trong phiên họp đầu tiên của Hội nghị bốn bên, ông đưa ra lập trường 5 điểm, thực chất là tuyên bố chính trị và bốn tháng sau đưa ra giải pháp toàn bộ 10 điểm về vấn đề miền Nam Việt Nam; đây là giải pháp hoàn chỉnh đầu tiên được đưa ra tại hội nghị.
Sau đó, với sự ra đời của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào ngày 06/6/1969; vị thế của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại bàn đàm phán càng vững mạnh, ông được cử làm Bộ trưởng Phủ chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời, trở về nước và giao lại vị trí trưởng đoàn cho bà Nguyễn Thị Bình.
Sau Hội nghị Paris ký kết vào tháng 01/1973, ông tham gia hội đàm với các vị ủy viên của Ủy hội Quốc tế về trao trả tù binh cho phía Chính phủ Cách mạng lâm thời, tiếp đón số tù trí thức “chiến thắng” được trao trả trở về. Ông cũng được chỉ đạo lập khung cán bộ của bộ phận Chính phủ Cách mạng lâm thời tham gia hòa giải và hòa hợp dân tộc. Nhưng do lập trường “Bốn không” của Nguyễn Văn Thiệu, chính phủ này không thể hình thành.
Sau ngày thống nhất đất nước, ông được bầu vào Quốc hội, giữ nhiệm vụ tại Ủy ban Dự thảo Hiến pháp.
Ông được bầu vào Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hai kỳ đại hội năm 1977 và 1983.
Thời gian sau đó, ông sang Pháp sống và chữa bệnh tại Paris.
Ông Trần Bửu Kiếm là nhân sĩ yêu nước, có nhiều công trạng, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của nước nhà. Do tuổi cao sức yếu, đã từ trần vào lúc 4 giờ 30 ngày 28 tháng 01 năm 2022 tại Paris, Pháp; hưởng đại thọ 102 tuổi. Cuộc đời cách mạng của ông là bài học quý báu về tinh thần yêu nước, dũng cảm, can trường mà thế hệ con cháu hôm nay và mai sau phải luôn nhắc nhớ, tự hào và học tập.
(Bài có sử dụng tư liệu lược ghi theo bài viết của tác giả Hai Lang trong cuốn sách Nhân sĩ trí thức Sài Gòn – Gia Định đồng hành cùng dân tộc giai đoạn 1954 – 1975, quyển số 1)