Trong phần tiểu sử tóm tắt cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, tập sách nhỏ của Khu lưu niệm Nguyễn Sinh Sắc ở thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) có ghi: ”Cụ Nguyễn Sinh Sắc là một nhà Nho yêu nước – thương dân và là người có công sinh thành, nuôi dạy cho dân tộc Việt Nam một lãnh tụ kiệt xuất, cho thế giới một danh nhân văn hóa: Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Tập sách còn nhấn mạnh:”Đặc biệt, cụ rất chú trọng đến việc giáo dục con cái.”
Nghiên cứu về “Bác Hồ thời niên thiếu” (NXB Sự Thật, Hà Nội 1989) chúng ta thấy rõ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã có một quá trình nuôi dạy các con hết sức chu đáo, chăm lo từ vật chất đến tinh thần, đặc biệt đối với cho đứa con trai thứ ba Nguyễn Sinh Cung được đổi tên Nguyễn Tất Thành (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bác Hồ sau này) với mong muốn có con đường lập thân xán lạn, mọi việc đều thành công tốt đẹp.
Mặc dù con đường hoạn lộ của cụ gặp nhiều gian truân và gia cảnh neo đơn, khó khăn về cuộc sống nhưng cụ Phó bảng luôn kiên trì, nhìn xa trông rộng sớm nhận ra tài năng của con trai thứ nên chú tâm đặc biệt chăm lo bồi dưỡng về “lập ngôn, lập đức” để hướng tới “lập thân, lập nghiệp” cho Nguyễn Tất Thành. Nào đưa con đi thăm nhiều nơi, gặp gỡ nhiều nhân vật nổi tiếng như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, gây ý thức về cuộc kháng chiến của Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng chống thực dân Pháp…để mong sao con trai mình sớm nhận thức ra con đường cứu dân, cứu nước và hy vọng sẽ thành đạt hơn.
Từ đó, lòng hiếu thảo của Nguyễn Tất Thành sớm được nâng cao chuyển đổi thành “Trung với nước, Hiếu với dân” cho nên năm hai mươi tuổi đã vào Nam tìm đường cứu nước, cứu dân sau khi chia tay với cha thân yêu ở Quy Nhơn. Thay vì cùng cha về Huế theo lệnh triệu hồi của triều đình, Nguyễn Tất Thành lại theo thầy giáo đỡ đầu Phạm Ngọc Thọ vào Phan Thiết rồi được giới thiệu dạy học ở trường Dục Thanh của Công ty Liên Thành để từ đường dây này, anh vào Sài Gòn. Tới đây, người cha khả kính của anh cũng tìm cách vào theo sau khi được triều đình miễn tội.
Mục đích của cụ Phó bảng là đưa con đến gặp cụ Phan Châu Trinh ngày 19/9/1910 đang bị an trí ở Mỹ Tho sau khi được ân xá ở Côn Đảo và cụ biết rõ cụ Phan sắp sửa đi Pháp do Hội đồng giáo dục Đông Dương bảo trợ. Đây là cơ hội để hai cha con diện kiến nhà yêu nước sắp sửa đi Tây vào ngày 1/4/1911. Được cha và nhà chí sĩ yêu nước tiếp thêm sức mạnh, thôi thúc chí hướng đi nước ngoài, thanh niên Nguyễn Tất Thành (lúc này đã có vốn tiếng Pháp tốt nghiệp bậc tiểu học, biết nghề cơ khí học cấp tốc ở trường Á Châu – nay là trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng, quận 1)) bằng cách nhanh nhất đã xin được một chỗ làm dù là hèn mọn trên tàu buôn Pháp vừa cập bến nhà rồng ngày 3/6/1911 và rời cảng ngày 5/6/1911.
Con đường đi Tây cứu nước được mở ra với lời dặn dò tha thiết của cha:”Con đừng bận tâm về cha. Nước mất, con lo tìm đường cứu nước. Cứu nước là hiếu với cha rồi đó. Con hãy mạnh dạn lên đường. Cha chỉ quanh quẩn ở Sài Gòn để trông tin tức của con “. (Tạp chí Đồng Tháp xưa-nay, số 15 tháng 9/2005, trang 3). Sau này, Bác Hồ có nhắc lại kỷ niệm về cụ Phan như sau:”Trước khi lên đường đi Pháp đã được Cụ hướng dẫn…sang Pháp là tiếp xúc ngay với Cụ…Cụ rất thương yêu và giúp đỡ Bác về mọi mặt nhất là trong những năm mới sang Pháp...” (Tạp chí đd).
Gần 10 năm sau, khi ở Cao Lãnh, cụ Phó Bảng nghe tin Nguyễn Ái Quốc (tức Nguyễn Tất Thành) ký tên bản yêu sách 8 điểm gởi hội nghị Versailles thì rất phấn chấn và yên tâm thấy con đã thực hiện theo hoài bão của mình. Đó là người con chí hiếu, đã biết nâng cao chữ Hiếu đối với cha sang Hiếu với dân, với nước.
Trước khi lâm chung, cụ Phan đã nói với cụ Phó Bảng luôn túc trực bên cạnh và cụ Huỳnh Thúc Kháng ở nhà số 54 Pelerin (nay là Pasteur thuộc Quận 1):”Việt Nam độc lập sau này sở cậy vào Nguyễn Ái Quốc”. (Phan Châu Trinh thân thế và sự nghiệp, NXB Trẻ - 2002, trang 192)
Ngược lại, Nguyễn Tất Thành vừa tới Pháp ngày 31/10/1911 đã gởi thư cho cha nhưng bị rơi vào tay mật thám Pháp và Khâm sứ Trung Kỳ. Khi đến Mỹ ngày 15/12/1912, Nguyễn Tất Thành lại viết thư nhờ đúng tên Khâm sứ Trung Kỳ giúp tìm địa chỉ của cha, ký tên Paul Tất Thành. Ngày 16/4/1915, Nguyễn Tất Thành ký tên Paul Thành viết thư cho Toàn quyền Đông Dương qua Lãnh sự Anh tại Sài Gòn nhờ tìm địa chỉ của cha mình. (Báo cáo viên 2005, Ban TT-VH TW, trang 2006).
Đầu năm 1914, từ Anh quốc Nguyễn Tất Thành viết thư cho cụ Phan Châu Trinh thông báo tình hình sinh hoạt, học tập của mình và gởi lời hỏi thân người thân trong gia đình…Tới đầu tháng 8, cũng từ Anh quốc, anh lại gởi thư cho cụ Phan nhận xét về cuộc chiến tranh thế giới và dự đoán chuyển biến của tình hình này. (Sđd, trang 2006). Hiện hai bức thư viết tay này còn lưu giữ ở nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh gần sân bay Tân Sơn Nhất.
Hiếu thảo với cha và nghĩa tình với bạn thân của cha đồng thời là người đỡ đầu của mình trên đoạn đường đầu tìm đường cứu nước đã cho thấy Bác Hồ thể hiện một tấm gương đạo đức hết sức tốt đẹp đáng để chúng ta noi theo. Hơn thế nữa, trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ trồng hoa râm bụt trước lán ở và làm việc cạnh cây đa to lớn để làm biểu tượng cho chữ Hiếu. Bác thường nói:”Nhìn bờ râm bụt nhớ mẹ cha, nhìn ngọn cây đa nhớ xóm làng”. Khi nghe tin anh cả Khiêm qua đời, không về thọ tang, Bác đã gởi điện nhờ Liên khu 4 chuyển tới Kim Liên với lời xin “mang tội bất để”.
Sau ngày Bác qua đời, người ta phát hiện trong một hộp gỗ đẹp mà Bác luôn trân trọng đặt trên cao có một bức ảnh cũ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc do các bộ đội Đồng Tháp ra tập kết tặng năm 1954. Bác từng trả lời một nhà báo Pháp khi nói về cuộc kháng chiến đầy hy sinh mất mát ở miền Nam bằng câu:“Thịt là thịt của chúng tôi. Máu là máu của chúng tôi” (C’est la chair de notre chair, c’est le sang de notre sang) hoặc Bác tâm sự: ”Miền Nam luôn trong trái tim tôi”. Đó chính là Bác muốn biểu lộ “máu, thịt của đồng bào miền nam có máu, thịt của cha tôi” hay “Miền Nam có cả hình ảnh người cha luôn nằm trong trái tim tôi”.
Cũng nên nhắc thêm, khoảng tháng 10/1929, giữa lúc cụ Phó bảng trở bệnh nặng qua đời ở Cao Lãnh thì Nguyễn Ái Quốc tới Xiêm và vượt sông Mê Công sang Trung Lào áp sát biên giới Việt-Lào (Sđd trang 216). Vậy thì, Bác đã nghe tin cha đau nặng mà dự định tìm đường về quê hương hay do “thần giao cách cảm” mang ý thức tâm linh kỳ diệu mà chữ Hiếu lay động tình yêu thương cha già nơi tâm khảm của mình để tới biên giới Việt - Lào? Dù giải thích cách nào đi nữa thì hành động từ Xiêm qua Lào tiếp cận với miền Trung thân yêu đang nằm dưới ách thống trị của thực dân phong kiến sau gần 20 năm xa cách cho thấy Bác Hồ luôn mang nặng chữ Hiếu với gia đình, dân tộc và Tổ quốc.
Khi ở Thái Lan hoạt động cách mạng trong cộng đồng bà con Việt kiều, một đêm ngủ trọ ở nhà một Việt kiều quê miền Bắc, nửa đêm nghe tiếng ru con bằng thơ Kiều khiến cho Bác rung động cõi lòng nên sáng ra, Bác nói với gia đình này:”Xa nhà chốc đã mấy niên/ Nửa đêm nghe tiếng mẹ hiền ru con!”
Khoảng 1923-1926, cụ Phó Bảng hợp cùng cụ Tú Cúc, hòa thượng Từ Văn thành lập Hội danh dự chùa Hòa Khánh (Thủ Dầu Một, Bình Dương) để truyền bá tư tưởng yêu nước. Trong thời gian này, cụ Phó Bảng thường đi lại nhiều nơi ở các tỉnh miền Đông, miền Tây, thậm chí có lúc lên tận Phnom Penh (thủ đô Cam pu chia) để hoạt động từ thiện-xã hội (hốt thuốc chữa bệnh miễn phí cho đồng bào nghèo) nhưng thực chất vẫn là hoạt động cách mạng nhằm truyền bá tư tưởng yêu nước, cứu nước cho bà con Việt kiều ở nước bạn. Một vài chuyến lên Phnom Penh của cụ Phó Bảng đâu phải chỉ đơn thuần hoạt động từ thiện hay hoạt động cách mạng. Bí ẩn về hành tung của cụ ở nước bạn còn cho thấy cụ đã hay tin Nguyễn Tất Thành đang về hoạt động ở Xiêm, Trung Lào nên cụ muốn tới để nghe ngóng tin tức của con trai hoặc giả không loại trừ việc cụ tìm cách lên biên giới Miên – Xiêm hay Miên – Lào để mong được bắt liên lạc với Nguyễn Tất Thành.
Một lần nữa, đạo nghĩa cha con hay nói khác đi, vì chữ Hiếu con muốn tìm về với quê hương và vì thương con, lo cho con mà cha già không nề hà tuổi cao sức yếu đã lặn lội từ Sài Gòn lên Phnom Penh để mong gặp được con sau bao năm xa cách trước khi nhắm mắt lìa đời.
Tình thương của cha đối với con, lòng hiếu thảo của con đối với cha quả đã hình thành một thứ tình cảm đạo nghĩa sâu nặng mang tính truyền thống dân tộc đậm đà bản sắc ít có trên đời này.
Vương Liêm